Thế nhưng từ quy định đến việc thực hiện tại các trường là một khoảng cách rất lớn. Nhiều trường thực hiện việc công khai một cách đối phó, thậm chí có trường chẳng thèm để tâm đến việc điều chỉnh này và “cứ thế mà làm”. Hàng trăm thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 vào Trường ĐH Mở TPHCM càng đến những ngày cuối cùng của đợt xét tuyển càng hồi hộp, lo lắng vì không rõ chỉ tiêu tuyển của từng ngành là bao nhiêu. Thậm chí, bộ quy định không giới hạn số lần rút hồ sơ của thí sinh nhưng trường này chỉ cho phép thí sinh rút hồ sơ một lần trước ngày 10-9, mà muốn rút phải nộp đơn 3 ngày trường mới trả hồ sơ !
Nhiều trường khác cũng tuyên bố chỉ cho thí sinh rút hồ sơ một lần và khuyên thí sinh “tìm hiểu cho kỹ trước khi rút”. Một lần rút là một lần phiền hà. Hàng trăm thí sinh rút là hàng trăm phiền hà đối với các trường và thực tế là nhiều thí sinh “méo” mặt vì nộp vào thì dễ mà rút ra thì gặp bao nhiêu điều nhiễu nhương vì các trường vẫn muốn thí sinh đừng rút hồ sơ. Nhiều trường ĐH khác thì đối phó bằng cách chỉ cập nhật số lượng hồ sơ còn những thông tin khác thì mù mờ như mê hồn trận.
Theo một chuyên gia về đào tạo, việc cập nhật như vậy sẽ vô ích nếu các trường không công khai số lượng hồ sơ lẫn thông tin về hồ sơ như mức điểm của thí sinh đăng ký xét tuyển. Dù hồ sơ nhiều nhưng nếu không rõ mức điểm của thí sinh tham gia xét tuyển thì có công khai cũng vô ích. Ngoài ra, không loại trừ việc các trường không thành thật trong việc công khai như giảm số lượng hồ sơ vào những ngành nhiều hồ sơ nhằm tiếp tục thu hút thêm hồ sơ, với phương châm “bắt nhầm còn hơn bỏ sót”.
Chính vì vậy, trưởng phòng đào tạo của một trường ĐH tại TPHCM than rằng mọi năm việc xét tuyển nguyện vọng 2 đơn giản bao nhiêu thì năm nay phức tạp bấy nhiêu. Nhiều thí sinh đến giờ chót vẫn loay hoay việc rút - nộp hồ sơ mà chẳng biết cơ hội thật sự của mình đến đâu. Vị này chua chát cho rằng khi chủ trương mới áp dụng trong thực tế mà không có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, không có biện pháp quản lý, xử lý đến nơi đến chốn để các trường “mạnh ai nấy làm” thì thiệt thòi vẫn ở thí sinh.
Bình luận (0)