Theo ghi nhận của phóng viên, triển khai chương trình mới năm học 2022 - 2023, hầu hết các địa phương đều thiếu giáo viên (GV) tin học, tiếng Anh (tiểu học, THCS), môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) ở cấp THPT.
Nguồn tuyển khó khăn
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Mạnh cho hay khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 3, 7, 10 từ năm học 2022 - 2023, nguồn tuyển rất khó khăn, tỉnh thiếu GV tin học, tiếng Anh ở tiểu học, cấp THPT thiếu GV âm nhạc, mỹ thuật. Trừ 3 trường phổ thông liên cấp, còn lại 43/46 trường THPT của tỉnh này chưa có GV âm nhạc, mỹ thuật.
Trong khi đó, Sở GD-ĐT tỉnh An Giang còn thiếu 185 GV dạy tin học lớp 3 cho năm học 2022 - 2023. Tỉnh này cũng chưa có GV dạy các môn tích hợp là khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý. Cấp THPT, địa phương này chưa có GV môn âm nhạc, mỹ thuật, đó là chưa kể đến việc lựa chọn tổ hợp các môn học theo chương trình mới đối với học sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023 còn nhiều bỡ ngỡ. An Giang hiện cũng chưa có sách biên soạn theo Chương trình GDPT 2018 đối với môn tự chọn tiếng dân tộc (Khmer).
Nói về sự thiếu hụt GV, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, cho hay một số địa phương trên địa bàn tỉnh chưa bảo đảm tỉ lệ 1,5 GV/lớp ở tiểu học. Một số trường tiểu học chưa có GV môn tin học và tiếng Anh nên triển khai Chương trình GDPT 2018 sẽ gặp khó khăn. Cấp THPT chưa có GV giảng dạy âm nhạc, mỹ thuật, thiếu GV bộ môn cục bộ trong 3 tổ hợp môn lựa chọn. Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long cũng cho hay chưa có GV dạy môn âm nhạc, mỹ thuật ở cấp THPT.
Các địa phương cần thực hiện các giải pháp tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng để bổ sung nguồn giáo viên thiếu hụt
Luân chuyển giáo viên giữa các cấp học
Để khắc phục những khó khăn trên, giải pháp được nhiều địa phương đưa ra là luân chuyển GV môn đặc thù giữa các cấp học. Ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các phòng GD-ĐT tiếp tục tham mưu cho UBND cấp huyện để bố trí điều động GV giữa các trường, cấp học để bảo đảm đủ GV các môn học.
Một số GV có thể dạy 2 trường cùng cấp học hoặc 2 cấp học là tiểu học, THCS. Đối với cấp THPT, Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ hướng dẫn các trường rà soát GV, xây dựng phương án cho học sinh lựa chọn 5 môn ở 3 nhóm môn (khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ và nghệ thuật), phù hợp với nguồn GV của mỗi trường. Đồng thời sẽ phối hợp với UBND cấp huyện để có thể bố trí GV cấp THCS bảo đảm trình độ đào tạo để dạy môn âm nhạc, mỹ thuật cấp THPT.
Sở GD-ĐT tỉnh An Giang phối hợp với Trường ĐH An Giang tổ chức lớp bồi dưỡng GV dạy tin học và công nghệ cho cấp tiểu học, chuẩn bị cho việc đào tạo bồi dưỡng GV cấp THCS dạy môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý theo chương trình bồi dưỡng của Bộ GD-ĐT ban hành. Sở này cũng phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học để tiếp tục đào tạo và tuyển dụng GV dạy âm nhạc, mỹ thuật và tiếng dân tộc.
Bộ GD-ĐT vừa có hướng dẫn về việc tổ chức dạy học môn tiếng Anh và tin học cấp tiểu học, cho phép điều động, biệt phái GV dạy liên trường, liên cấp từ năm học tới. Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh, thành chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng theo hướng dẫn về việc chuẩn bị đội ngũ nhằm bảo đảm đủ số lượng GV dạy học theo lộ trình. Thực hiện điều động GV dạy liên trường trong cùng cấp học; biệt phái, điều động GV tiếng Anh, tin học cấp THCS theo thẩm quyền quản lý tham gia giảng dạy tại các trường tiểu học sau khi đã được tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy, chương trình, sách giáo khoa môn học. Có phương án hỗ trợ khi điều động, biệt phái GV dạy liên trường, liên cấp phù hợp thực tế của địa phương. Bộ GD-ĐT cũng cho phép các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong bố trí GV, xây dựng kế hoạch thực hiện môn học linh hoạt, phù hợp, sắp xếp thời khóa biểu khoa học để thực hiện phương án GV dạy liên trường, dạy tại nhiều điểm trường. Thậm chí, GV có thể dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến khi bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền.
Xây dựng chính sách cho giáo viên dạy liên trường
Liên quan đến tình trạng thiếu GV khi triển khai Chương trình GDPT 2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm, có chỉ tiêu tuyển thêm, dùng ngân sách địa phương cho hợp đồng, bố trí dạy liên trường... Đồng thời, lưu ý các địa phương tiếp tục củng cố dạy học trực tuyến, qua truyền hình, sử dụng bài giảng điện tử... Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh các địa phương cần có cơ chế điều tiết GV dạy liên trường, xây dựng chế độ chính sách cho GV dạy liên trường. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thầy cô, bảo đảm có đủ GV. Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các trường sư phạm tổ chức các mã ngành, đào tạo GV dạy các môn học đáp ứng nhu cầu thực tế.
Bình luận (0)