Thực trạng này được các chuyên gia trong lĩnh vực SKTT nêu lên trong buổi tọa đàm "Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu, phòng ngừa, can thiệp tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên" do Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc ĐH Quốc gia TP HCM tổ chức vào ngày 4-5.
PGS-TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết nhiều người đang có suy nghĩ và nhận định sai lầm về tự sát, chẳng hạn: những người nào hay dọa tự sát sẽ không bao giờ tự sát; những người hay nói chuyện với người khác về cảm giác muốn tự sát sẽ thúc đẩy họ tự sát thật; tự sẩ là một hành vi do kích động, không có kế hoạch nên không thể ngăn chặn được hay tự sát một lần mà không thành công thì sẽ không tự sát nữa.
Trên thực tế, 80% người tự sát thành công đã từng ngầm thông báo về ý định và kế hoạch tự sát; việc nói chuyện sẽ khiến họ được giải tỏa, cảm thấy được quan tâm, lắng nghe, thúc đẩy họ trút bầu tâm sự, giảm bớt căng thẳng và cân nhắc hơn về việc này một cách nghiêm túc; người có ý định tự sát đã suy nghĩ cẩn thận, có ý thức và lên kế hoạch, thậm chí thăm dò thái độ của người khác; có những người lập kế hoạch và toan tự sát đến hơn 10 lần vẫn không thành công.
Theo khuyến nghị của Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, "một trường hợp tự sá ảnh hưởng đến 6 người khác. Chúng ta phải kết hợp đa ngành, đa nghề, đa chuyên khoa để chia sẻ, hỗ trợ cho bệnh nhân".
ThS-BS CK1 Giang Ngọc Thụy Vy, Trưởng khoa Tâm lý Y học, Bệnh viện Tâm thần TP HCM khuyến cáo: "Những người có trách nhiệm chăm sóc người tự sát cần tránh những tình huống sau: rơi vào vị thế "người cứu vớt"; cảm xúc tiềm ẩn bị kích hoạt, dẫn tới đáp ứng phòng vệ, bị cuốn vào sự tuyệt vọng của bệnh nhân, đánh giá quá cao hay kỳ vọng quá mức vào khả năng hồi phục của bệnh nhân".
ThS-BS CK1 Giang Ngọc Thụy Vy lưu ý thêm: "Cách tiếp cận trong y khoa cũng rất quan trọng. Chúng ta hạn chế việc đổ lỗi cho người có hành động tự sát và tránh an ủi sai lầm, chẳng hạn như "Ai mà thi rớt như con cũng sẽ muốn chết". Đây không phải là cách đồng cảm với họ. Chúng có thể đồng cảm với những khó khăn mà họ gặp phải chứ không phải đồng cảm với việc họ chọn lựa một hành vi không lành mạnh. Khi điều trị tại bệnh viện đa khoa, việc mời các chuyên gia hội chẩn cũng có thể tiến hành trong trường hợp cần thiết".
ThS Nguyễn Thị Thanh Tùng, giảng viên khoa Công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM phản ánh: "Các phòng tham vấn tâm lý học đường và phòng công tác xã hội trong trường học được thành lập theo Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18-12-2017 về Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông và Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT ngày 26-12-2018 về Hướng dẫn công tác xã hội trong trường học của Bộ Giáo dục và Đào tạo hầu như chỉ hoạt động cầm chừng chứ chưa đảm bảo về chất lượng. Bên cạnh đó, một câu hỏi đặt ra là làm sao kiểm soát vấn đề an ninh mạng khi các nền tảng mạng xã hội đang gia tăng".
TS Lê Nguyên Phương, nhà sáng lập và giám đốc chuyên môn Công ty TNHH Tâm lý và Giáo dục Minerva Education, chỉ rõ: "Những hạn chế hiện nay trong việc nghiên cứu hành vi TS bao gồm: không có phương pháp hiệu quả nào đánh giá việc thân chủ có nguy cơ cao sẽ cải thiện khi được điều trị, 50% ca TS đến từ những thân chủ được đánh giá có nguy cơ thấp, 50% người TS tử vong không có tiền sử nỗ lực TS, không có tiên đoán TS chính xác trong 40 năm qua".
TS Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM, kiến nghị: "Trong bối cảnh Việt Nam, chúng ta cần hợp tác với nhau để xây dựng một cuốn sổ tay hoặc cẩm nang nhận diện, đánh giá, can thiệp, xử trí các vấn đề TS với sự góp mặt của các các chuyên gia đa ngành. Sản phẩm này sẽ được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là trong trường học. Mô hình này đòi hỏi có một chuyên gia chuyên nghiệp, có hiểu biết, năng lực và kỹ năng để đánh giá trong trường học".
"Tuy nhiên, trong môi trường học đường và xã hội Việt Nam hiện nay, chưa có chuyên gia nào đáp ứng tất cả các yêu cầu trên, đồng thời chưa có công cụ đánh giá chính xác. Bên cạnh đó, không dễ tìm kiếm các nghiên cứu sâu về đề tài tự sát ở Việt Nam. Đây là một rào cản rất lớn trong việc nghiên cứu các mô hình tiếp cận dựa trên bằng chứng trong khi đánh giá vấn đề nguy cơ tự sát trong trẻ em và vị thành niên", TS Lê Minh Công thừa nhận.
Trên thế giới, tự sát là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với người 15-29 tuổi, chỉ sau tai nạn giao thông. Tổ chức UNICEF công bố trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do TS. Ở Việt Nam, ước tính có 26,3% trẻ bị trầm cảm, 6,3% trẻ có suy nghĩ về cái chết, 4,6% trẻ có kế hoạch TS và 5,8% trẻ cố gắng TS. Theo một điều tra vào năm 2020, trong số 6.407 học sinh ở lứa tuổi 11-17, có 11% cho biết có ý tưởng TS trong vòng 1 năm qua.
Bình luận (0)