Hơn 50 đơn vị sử dụng lao động liên quan đến ngành lịch sử – lưu trữ vừa cùng nhau góp ý về chất lượng tân cử nhân lĩnh vực này tại một hội nghị do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM tổ chức tại TPHCM.
Mơ hồ trong công việc
Nhiều đại biểu nhận định nhu cầu nhân lực các ngành này ở TPHCM và các tỉnh phía Nam vẫn chưa bão hòa, nhiều cơ quan vẫn cần cử nhân lịch sử - lưu trữ như viện khảo cổ học, các bảo tàng lịch sử, viện sử học, các cơ quan Đảng và Chính phủ, các bộ, ban và ngành... Tuy nhiên, chất lượng sinh viên tốt nghiệp hiện nay khiến nhiều người băn khoăn.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Thanh, Ban Tuyên giáo quận 1, cho biết một vài sinh viên vào làm việc bộc lộ kỹ năng làm việc quá yếu, soạn thảo một văn bản thông thường không đạt; câu từ, ngữ pháp tiếng Việt chưa nắm vững, thậm chí sử dụng cả ngôn ngữ chat khi làm văn bản. Đó là chưa kể đến kiến thức xã hội còn rất hạn chế... Do vậy, một số em không đáp ứng được công việc, phải bị đào thải.
TS Nguyễn Xuân Hoài, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, nhận xét nhu cầu nhân lực ngành lưu trữ hiện còn nhiều. Tuy nhiên, tân cử nhân còn rất mơ hồ trong công việc. Một số kỹ năng nghề nghiệp cơ bản như chỉnh lý tài liệu, lập hồ sơ... nhiều tân cử nhân vẫn chưa nắm được. Nguyên nhân của sự mơ hồ là do sinh viên chịu nhiều tác động từ đời sống xã hội, nhiều em không chuyên tâm học hành. Ngoài ra, thời gian thực tập ít, hời hợt nên nhiều em bị hẫng và không tiếp cận được công việc thực tế.
Nhiều đại biểu còn than phiền về khả năng ngoại ngữ của sinh viên tốt nghiệp quá yếu. Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, nêu thực tế 70% khách tham quan bảo tàng là người nước ngoài nhưng khả năng ngoại ngữ của tân cử nhân được nhận vào làm việc còn rất hạn chế, không thể giao tiếp suôn sẻ, đôi khi phải nhờ cả phiên dịch nên rất bất tiện và mất thời gian.
Đổi mới đào tạo
Với thực trạng đáng báo động, có đại biểu bày tỏ nỗi lo trong tương lai sẽ thiếu nguồn nhân lực đủ trình độ viết lịch sử cũng như làm công tác lưu trữ. Nhiều đại biểu cho rằng nhà trường cần phải đào tạo gắn với thực tế, chứ không thể dựa trên kiến thức hàn lâm nhằm giúp sinh viên ra trường có thể làm việc được.
Bà Thanh cho rằng nhà trường ngoài việc dạy các kiến thức lịch sử cần phải cập nhật thêm những sự kiện thời sự xảy ra hiện nay cũng như định hướng quan điểm đúng đắn cho sinh viên. Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bảo tàng TPHCM, cho rằng nhà trường phải giúp sinh viên tìm kiếm nguồn tài liệu đủ độ tin cậy. Hiện nay, sinh viên dựa quá nhiều tài liệu thiếu kiểm chứng trên mạng để học và nghiên cứu thì rất nguy hiểm. Để tránh tình trạng học chay, ông Hoài đề nghị trường trang bị phòng lưu trữ để sinh viên làm quen với các quy trình công việc.
Khó tuyển, khó giữ Nhiều đại biểu cho rằng ngành lịch sử - lưu trữ ngày càng ít thu hút sinh viên vào học. Nếu như trước đây, ngành lịch sử còn tuyển được người giỏi, khi tốt nghiệp giữ được những vị trí đầu ngành thì hiện nay rất khó. Một trong những lý do ngành học này sinh viên ít theo đuổi là do công việc buồn tẻ, nhiều em học để có được tấm bằng ĐH rồi đi làm ngành khác chứ không thực sự yêu nghề. Đơn cử như tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM, trên 10 năm qua, số lượng cử nhân lịch sử - lưu trữ chịu ở lại chỉ đếm trên đầu ngón tay... |
Bình luận (0)