“Điều tôi nói có thể nhiều người không muốn nghe nhưng mọi người cần phải biết được sự thật rõ ràng: Những nhân viên người Việt làm việc trong các xí nghiệp của chúng tôi rất yếu kỹ năng, nhất là kỹ năng giao tiếp và kỹ năng làm việc nhóm” - ông Masaki Yamashita, Tổng Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Tokyo Mitsubishi tại TPHCM, nhìn nhận tại hội thảo “Đối sách chuẩn đầu ra theo nhu cầu xã hội” do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 8-12.
Khó đáp ứng nhu cầu của xã hội?
Ông Masaki Yamashita nhận định: Sinh viên học 4 năm trong trường ĐH khi tốt nghiệp đương nhiên phải có kiến thức nhưng việc chuyển được kiến thức vào công việc thực tế thì sinh viên Việt Nam còn yếu.
Khi có vấn đề phát sinh không giải quyết được và cũng không dám trao đổi với cấp trên, nếu thảo luận nhóm thì xảy ra tranh cãi và không ai chịu trách nhiệm… Những vấn đề này cho thấy việc đào tạo nhân lực trong trường ĐH chưa chú trọng đến yếu tố kỹ năng.
Đại diện Tổng Công ty Điện lực TPHCM cũng cho rằng sinh viên ra trường có kiến thức tốt nhưng các kỹ năng như diễn thuyết, trình bày, đặc biệt là khả năng nói tiếng Anh, rất kém.
Trường ĐH thường chỉ đào tạo kiến thức nền tảng, kỹ năng cơ bản,
sinh viên phải tự học hỏi để hoàn thiện các kỹ năng.
Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ thực hành
Do đó, nhiều cuộc hội thảo quốc tế dù rất muốn nhân viên công ty tham gia học hỏi nhưng do không trao đổi được bằng tiếng Anh nên nhiều công nhân, kỹ sư có trình độ kỹ thuật giỏi cũng đành phải đứng ngoài cuộc. Ngoài ra, kỹ năng viết bài luận, làm việc nhóm, khả năng nghiên cứu ứng dụng của sinh viên tốt nghiệp còn rất hạn chế.
TS Lê Hữu Phước, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, thừa nhận nhiều trường hiện còn chú trọng việc đào tạo kiến thức hàn lâm, tinh hoa mà chưa gắn kết được với thị trường lao động, do đó có sự chênh lệch giữa đào tạo trong trường ĐH và nhu cầu thực tế.
Tuy nhiên, TS Phước cũng cho rằng đòi hỏi sinh viên tốt nghiệp phải có đầy đủ kỹ năng, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp là bất khả thi vì trường ĐH hiện chỉ có thể đào tạo kiến thức nền tảng, kỹ năng cơ bản, do đó sinh viên phải tự học hỏi, rèn luyện mới hoàn thiện.
Thiếu định hướng
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, cho biết thống kê từ năm 2009-2012, có khoảng 80% sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm, 20% còn lại tìm việc rất khó hoặc không tìm được việc. Trong tổng số sinh viên tìm được việc, chỉ có khoảng 50% có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt, 50% làm việc trái ngành nghề, thu nhập thấp, thiếu ổn định.
Nguyên nhân của việc khó tìm việc làm phù hợp là sinh viên hiện vẫn thiếu định hướng về nghề nghiệp - việc làm vì một số sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp năng lực và xu hướng phát triển của thị trường lao động. Ông Tuấn cũng thừa nhận: “Hệ thống thông tin thị trường lao động, hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm ở TPHCM hiện chưa cập nhật kịp thời để gắn kết sinh viên và doanh nghiệp”.
Để việc đào tạo trong nhà trường hiện nay đáp ứng được với yêu cầu thực tế, theo TS Lê Hữu Phước, cần điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng giảm lý thuyết kinh viện, tăng thực tế thực hành, bổ sung kiến thức liên ngành, kiến thức xã hội bên cạnh kiến thức ngành, chuyên ngành; chú ý hiệu quả đào tạo ngoại ngữ và tin học; chú trọng tăng cường trang bị kỹ năng cần thiết cho sinh viên trong quá trình đào tạo.
Ngoài ra, nhà trường cần cung cấp cho nhà tuyển dụng những sản phẩm và dịch vụ đào tạo mà trường đang và sắp có; thu thập thông tin về nhu cầu nhân sự, nhu cầu đào tạo, huấn luyện của nhà tuyển dụng; thiết kế các chương trình phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng, tổ chức cho sinh viên tiếp cận và thực tập tại các đối tác có khả năng tuyển dụng…
Nhu cầu nhân lực nhiều ngành giảm 50%
Ông Trần Anh Tuấn cho biết theo số liệu khảo sát, năm 2012, nhu cầu nhân lực tại TPHCM giảm 2,9% so với năm 2011. Những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng giảm nhiều (trên 50%) như dệt may - giày da, chế biến thực phẩm, cơ khí điện tử - viễn thông, xây dựng - kiến trúc, nông nghiệp - lâm nghiệp, thủy sản, nhà hàng - khách sạn, kế toán - kiểm toán. Một số ngành nghề nhu cầu tuyển dụng cao là dịch vụ và phục vụ (18,45%), marketing - nhân viên kinh doanh (18,12%), quản lý nhân sự - hành chính văn phòng (8,11%), bán hàng (8,12%)… |
Bình luận (0)