Từ năm học 2020-2021, chương trình phổ thông mới đã bắt đầu triển khai ở lớp 1 bậc tiểu học. Các môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) sẽ triển khai ở cả 3 cấp học tiểu học, THCS, THPT trong chương trình giáo dục phổ thông mới dẫn đến tình trạng thiếu hàng chục ngàn giáo viên (GV).
Năm 2022 tuyển hơn 33.000 GV
Trước tình trạng khan hiếm GV nghệ thuật, ngày 29-10 tại TP Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương tổ chức hội thảo khoa học "Bồi dưỡng GV nghệ thuật đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới" với sự tham gia của đông đảo trường đào tạo nghệ thuật trên toàn quốc.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ở bậc tiểu học, số lượng GV âm nhạc, mỹ thuật rất thiếu. Trong tổng số 15.538 trường tiểu học trên toàn quốc thì chỉ có 13.339 GV âm nhạc, thiếu 2.199 người. Tương tự, số GV mỹ thuật chỉ có 13.445, thiếu 2.093 GV. Số GV nghệ thuật các trường THCS cơ bản là đủ, trong tổng số 10.939 trường THCS trên cả nước có 11.424 GV âm nhạc và 11.178 GV mỹ thuật.
Riêng đối với bậc THPT, theo lộ trình của chương trình giáo dục phổ thông mới, khi môn nghệ thuật triển khai tại các trường, số GV âm nhạc, mỹ thuật sẽ thiếu 100%.
Bộ GD-ĐT cho biết toàn quốc hiện có 2.834 trường THPT, nếu căn cứ vào tiêu chí mỗi trường THPT cần 1 GV âm nhạc, 1 GV mỹ thuật thì số lượng GV cần lên đến 5.668 GV.
PGS Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương, cho hay theo dự báo của Bộ GD-ĐT về nhu cầu tuyển dụng GV nghệ thuật bậc THCS, năm 2022 sẽ cần hơn 23.700 GV. Đối với bậc THPT, đến năm 2022, nhu cầu tuyển dụng là hơn 10.000 GV.
Đánh giá thêm về chất lượng GV, PGS Đào Đăng Phượng cho biết trình độ đào tạo và năng lực của GV mỹ thuật, âm nhạc hiện nay không đồng đều. Ở bậc tiểu học, có người đạt trình độ trung học sư phạm hoặc tương đương, có người đạt trình độ CĐ, ĐH, sau ĐH nhưng vẫn còn một số ít chưa đạt chuẩn trình độ trung học sư phạm. Nếu theo Luật Giáo dục 2019 (chuẩn trình độ đào tạo của GV tiểu học và THCS phải từ ĐH trở lên) thì việc đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn, nâng chuẩn cho đội ngũ GV âm nhạc, mỹ thuật là rất lớn.
Giáo viên mỹ thuật đang chấm tranh dự thi của học sinh Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (TP Hà Nội)
Thiếu chuẩn, bồi dưỡng GV chưa hiệu quả
Từ năm học 2020-2021, chương trình phổ thông mới đã bắt đầu triển khai ở lớp 1 bậc tiểu học. Tuy nhiên, PGS Đào Đăng Phượng cho biết chương trình bồi dưỡng GV nghệ thuật chưa có chương trình chuẩn, độc lập. Mục tiêu bồi dưỡng chưa được xác định cụ thể, không có được chương trình hoàn thiện đáp ứng lộ trình triển khai chương trình phổ thông mới.
TS Nguyễn Văn Định, Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương, cho hay trường đã lên kế hoạch bồi dưỡng khoảng 1.500 GV mỗi năm. Cụ thể, từ quý IV/2019 sẽ hoàn thiện hệ thống học liệu giáo trình phục vụ bồi dưỡng GV. Từ quý I đến quý II/2020 sẽ bồi dưỡng khoảng 1000-1.500 GV mỹ thuật và âm nhạc trên cả nước. Từ quý III đến quý IV/2020 trở đi sẽ thực hiện bồi dưỡng theo nhu cầu cụ thể của các cơ sở, bình quân mỗi năm khoảng từ 1.500 GV.
Góp ý thêm về việc đào tạo, bồi dưỡng GV, bà Nguyễn Thị May, Khoa Sư phạm mỹ thuật Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương, cho rằng nội dung chương trình mỹ thuật hiện hành và chương trình phổ thông mới rất khác nhau. Chương trình hiện hành chỉ chú trọng vào mỹ thuật tạo hình, chủ yếu tập trung vào hội họa, điêu khắc, vì thế chương trình đào tạo của các trường ĐH sư phạm nghệ thuật phải bổ sung nhiều nội dung để đáp ứng yêu cầu. Ví dụ cần có kiến thức mở về kỹ thuật tạo hình với nghệ thuật tranh khắc in, về nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc, mỹ thuật ứng dụng như thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế công nghiệp…
Cũng chung quan điểm này, TS Phạm Văn Tuyến, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng chương trình đào tạo GV hiện nay được thiết kế không đồng đều, có nơi nặng về chuyên môn (mỹ thuật chủ yếu là hội họa, còn âm nhạc thì nặng về đàn hát), có nơi nặng về nghiệp vụ sư phạm. Chương trình đào tạo chưa xây dựng được chuẩn đầu ra dùng chung để xác định mức chuẩn tối thiểu nên chất lượng rất khác nhau. Trong khi đó, các chuyên đề bồi dưỡng GV lâu nay lại chưa đúng, chưa đủ và hiệu quả.
Khó đạt yêu cầu
TS Phạm Văn Tuyến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, để chương trình phổ thông mới thực hiện đúng yêu cầu đặt ra là quá khó khăn. Ông dự báo khi thực hiện chương trình mới, đa số GV mỹ thuật không đủ khả năng dạy các học phần về thời trang, kiến trúc, thiết kế công nghiệp. GV âm nhạc không có khả năng đảm nhận các học phần chuyên môn về nhạc cụ.
Bình luận (0)