Tại TP HCM, năm học 2016-2017, số học sinh (HS) bậc tiểu học được khen thưởng với những thành tích cuối năm học ít hơn so với năm học 2015-2016. Tuy nhiên, chính cách đánh giá, khen thưởng này cũng khiến nhiều nhà giáo tâm tư.
Nhiều tiêu chí không thể thực hiện
Giáo viên một trường tiểu học tại quận Bình Thạnh cho biết thực tế ở thông tư 22, chỉ có một số điểm được sửa đổi, bổ sung nhằm giúp cho giáo viên và nhà trường dễ thực hiện hơn. Nhưng thực tế các tư tưởng của Thông tư 30 vẫn còn nguyên vẹn. Điển hình là đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không so sánh HS này với HS khác…
Học sinh giỏi dự thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa Ảnh: TẤN THẠNH
Giáo viên này chỉ ra rằng mục tiêu nhân văn của thông tư lộ nhiều bất cập khi việc khen thưởng cuối năm học cho HS đang… có vấn đề. Điều 16 của Thông tư 22 chỉ dẫn cụ thể khen thưởng cuối năm như sau: HS hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện: kết quả đánh giá các môn học đạt hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt tốt. Bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên. Như vậy, chỉ cần môn ngoại ngữ hay tin học không đạt điểm 9, nghĩa là HS đó không được khen thưởng.
Một điều bất cập nữa không thể thực hiện được là quy định HS có điểm kiểm tra bất thường được kiểm tra lại. Theo các nhà giáo phân tích, điều 10, mục 2d của Thông tư 22 quy định nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường để HS làm bài kiểm tra khác để đánh giá. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là điều này không thể thực hiện được do trong suốt năm học, giáo viên chỉ được dùng lời nói để đánh giá mặt được và chưa được, đúng và chưa đúng. Như vậy, không có cơ sở để so sánh một bài kiểm tra bằng điểm so với những kiểm tra, đánh giá chỉ bằng lời nói.
Quá nhiều HS giỏi
Dù được đánh giá là hình thức đánh giá, khen thưởng trong Thông tư 22 có độ rõ ràng, phù hợp với cả tâm lý HS và phụ huynh so với Thông tư 30 vốn theo cách đại trà, không thể kiểm soát chất lượng HS và không chính xác. Nhưng việc quá nhiều HS giỏi ở các trường tiểu học khiến những đánh giá này có thực sự phản ánh đúng chất lượng HS vẫn chưa rõ!
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, năm học 2016-2017, riêng đối với HS tiểu học, có 357.219 em được khen thưởng cuối năm học 2016-2017 với những thành tích tốt trong học tập và rèn luyện tại nhà trường. Trong khi đó, năm học 2015-2016, TP HCM có 463.747 HS tiểu học được khen thưởng với những thành tích tốt trong học tập và rèn luyện.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Gò Vấp cho hay theo Thông tư 22, mặc dù quá trình đánh giá đi vào thực chất hơn, quá trình khen thưởng mở rộng hơn ở các môn nhưng quyền chi phối kết quả nhận xét, kiểm tra vẫn phụ thuộc quá nhiều vào tâm lý giáo viên. HS này đạt hay chưa đạt vẫn rất khó đánh giá chính xác. "Có thể một giáo viên muốn tất cả đều vui sẽ không ngần ngại đánh giá tốt hết, đạt hết nhưng thực chất các em không được như thế" - vị này cho biết.
Việc quá nhiều HS giỏi ở tiểu học kéo theo việc tuyển sinh vào lớp 6 thời gian qua gặp nhiều khó khăn, theo hiệu trưởng một trường THCS, việc tuyển sinh vào lớp 6 ở một số trường điểm ở các quận, huyện đã phải đặt ra thêm nhiều tiêu chuẩn phụ mới có thể tuyển sinh, còn xét về điểm số thì em nào cũng đạt.
Chưa có chuẩn
Ông Trần Trọng Khiêm - Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú, phụ trách giáo dục tiểu học - cho hay tròn 1 năm Thông tư 22 áp dụng, về phía giáo viên, đa số cho rằng đã giúp giáo viên bớt đi nhiều sổ sách, cách đánh giá cũng nhẹ nhàng, đi vào thực tế hơn. Nhưng cho đến nay, nhiều nhà giáo tâm tư không phải là còn hạn chế, thiếu sót gì mà là tầm nhìn của thông tư sẽ đến đâu, đến giai đoạn nào, giáo viên rất cần biết điều đó.
Việc sửa chữa, thay đổi Thông tư 30 là cần thiết nhưng với Thông tư 22 sẽ kéo dài đến bao lâu, hay lại tiếp tục sửa đổi khi có các ý kiến khác, nhà giáo cần biết trước sự thay đổi để có sự chuẩn bị. Ông Khiêm cũng cho rằng hiện nay, khuyết điểm lớn nhất của việc đánh giá HS không theo một chuẩn nào hết. Ở tiểu học đánh giá theo Thông tư 22 nhưng THCS lại theo Thông tư 58 đã rất lâu không sửa đổi, bổ sung. Lấy chuẩn của THCS đánh giá, nghi ngờ chất lượng tiểu học là không ổn, nếu thế thì xếp hạng HS để làm gì? Nếu đồng nhất cách đánh giá HS phổ thông và mỗi bậc học mang một nhiệm vụ đặc thù, cụ thể thì mới vì HS, tránh bệnh thành tích.
Bình luận (0)