Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, sáng 28-4, tại Hội Nhà báo TPHCM, các công ty phát hành sách hàng đầu tại TPHCM (không thuộc hệ thống ngành giáo dục) đã có cuộc họp bày tỏ với báo chí về phản ứng của mình trước việc NXB Giáo dục và các công ty sách- thiết bị trường học thuộc hệ thống NXB Giáo dục đã lợi dụng thế độc quyền xuất bản và phát hành sách giáo khoa (SGK) để đẩy các công ty vào tình trạng khó khăn: không bán không được mà bán thì thua lỗ.
Phát hành không công (?!)
Các công ty, đại lý phát hành sách không nằm trong hệ thống ngành giáo dục chỉ được nhận SGK để phát hành trong hệ thống nhà sách của mình thông qua các công ty sách- thiết bị trường học các tỉnh, thành với giá chiết khấu năm nay, được nêu trong hợp đồng, là 11% cho SGK và 13% cho sách bổ trợ (sách bài tập kèm theo SGK).
Trong khi các hợp đồng đang được tiến hành thì NXB Giáo dục ra thông báo, từ ngày 10-5 NXB sẽ triển khai phát hành SGK với mức giảm 10% giá bìa đối với SGK và từ 10%- 15% đối với sách khác. Mức giảm này NXB Giáo dục áp dụng cho những khách hàng mua trực tiếp tại cửa hàng của NXB Giáo dục và các công ty sách- thiết bị trường học trong cả nước.
|
Theo đại diện các công ty phát hành sách, nếu nhận hàng phát hành theo mức chiết khấu 11% cho SGK và 13% cho sách bổ trợ, sau đó giảm giá bán 10% giá bìa đối với SGK và từ 10%- 15% đối với sách khác như mức giảm của các cửa hàng thuộc các công ty sách- thiết bị trường học trong hệ thống NXB Giáo dục thì chẳng khác nào phát hành không công cho NXB Giáo dục.
Ông Ngô Xuân Biển, đại diện hệ thống nhà sách Thăng Long, cho rằng: “Chúng tôi là doanh nghiệp nên không thể không tính đến những thiệt hại cho doanh nghiệp của mình. Vì vậy việc phát hành không công là không thể chấp nhận được”.
Độc quyền sinh đặc lợi
Theo đại diện các công ty phát hành sách dự họp, SGK và sách bổ trợ của NXB Giáo dục đều do hai công ty cổ phần trực thuộc NXB Giáo dục độc quyền phân phối cho các công ty sách- thiết bị trường học các tỉnh, thành. Và các công ty sách- thiết bị trường học này độc quyền phân phối cho các công ty phát hành sách không nằm trong hệ thống ngành giáo dục.
Như vậy SGK của NXB Giáo dục, trước khi đến với các cửa hàng bán lẻ không nằm trong hệ thống công ty sách - thiết bị trường học, phải qua tay hai trung gian là Công ty Cổ phần Sách Giáo dục, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam của NXB Giáo dục và các công ty sách- thiết bị trường học.
Đại diện của các công ty phát hành sách dự họp đặt vấn đề là tại sao họ không được mua trực tiếp SGK từ hai công ty cổ phần của NXB Giáo dục mà phải qua trung gian là các công ty sách- thiết bị trường học, bị xén thêm một phần chiết khấu mà đáng lý ra phần chiết khấu này người tiêu dùng được hưởng.
Sẽ chen nhau mua SGK ?
Việc đẩy giá SGK lên rồi tuyên bố giảm giá bìa ngang bằng với mức chiết khấu mà các công ty sách- thiết bị trường học chia cho các công ty phát hành sách không nằm trong hệ thống ngành giáo dục, được nhận định đây là ý đồ thâu tóm thị trường SGK của NXB Giáo dục và các công ty trực thuộc, nhằm loại các công ty phát hành sách ngoài ngành giáo dục ra khỏi “cuộc chơi” phát hành SGK kể từ năm nay.
Ông Dương Quốc Trị, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Nhân Văn, tuyên bố thẳng: “Nếu NXB Giáo dục muốn độc quyền phát hành sách của mình thì chúng tôi xin nhường, sẵn sàng không nhận phân phối SGK nữa. Và khi chúng tôi không tham gia phân phối thì tình trạng mất ổn định trong phân phối SGK sẽ xảy ra”.
Nếu lời tuyên bố này thành hiện thực thì sẽ gây không ít khó khăn cho việc phát hành SGK trong năm nay. Bởi các công ty phát hành sách và đại lý ngoài ngành giáo dục đang sở hữu những hệ thống bán lẻ lên đến hàng trăm nhà sách trong cả nước và có chân rết vươn tới cả vùng sâu, vùng xa.
Trong khi đó, hệ thống cửa hàng của các công ty sách- thiết bị trường học mỗi tỉnh, thành chỉ có 1-2 cửa hàng chủ yếu trưng bày hàng mẫu, riêng TPHCM có 5 cửa hàng tập trung ở khu vực nội thành. Như vậy, phụ huynh học sinh từ các huyện ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ... muốn mua SGK phải vất vả đến các cửa hàng của Công ty Sách- Thiết bị trường học TPHCM nằm ở nội thành để mua (?!).
Tuy nhiên, các công ty này cũng đã đưa ra giải pháp, đề nghị NXB Giáo dục cùng đàm phán để nâng mức chiết khấu cho các công ty và đại lý phát hành sách ngoài ngành giáo dục lên một mức có thể chấp nhận được (ít nhất là 15% cho SGK và 18% cho sách bổ trợ), để có thể phục vụ SGK tốt hơn cho học sinh, trên tinh thần trách nhiệm chung mà không bên nào phải chịu thiệt.
Giá giấy giảm, sao giá sách tăng (?!) Giá giấy năm 2009 giảm 30% so với năm 2008 nhưng không hiểu tại sao, cùng một loại SGK, mà giá in năm 2009 lại tăng hơn 15% so với sách in năm 2008? Càng khó hiểu hơn khi trong thông báo của NXB Giáo dục lại cam kết là bảo đảm giữ nguyên giá bán lẻ như năm 2008 (?!). Tự tăng giá sách để giảm giá bán, cách làm của NXB Giáo dục gây sự ngộ nhận đối với khách hàng là họ đã được hưởng chính sách xã hội từ NXB Giáo dục. Chỉ cần giữ nguyên giá bán lẻ như năm trước trong tình hình giá giấy giảm 30% là NXB Giáo dục đã có lãi lắm rồi nhưng tại sao họ không làm? |
Độc quyền sinh cửa quyền Chính sách về giá cả SGK thiếu nhất quán, giá bìa bị điều chỉnh liên tục, không phải riêng năm nay mà đã xảy ra ở các năm trước. Giá cả lộn xộn đã làm cho các đơn vị phát hành không thuộc hệ thống công ty sách- thiết bị trường học và người tiêu dùng chịu thiệt hại về kinh tế và uy tín. Thường thì thông báo giá không tăng nhưng khi các đơn vị nhận hàng thì giá lại tăng. Bán theo giá bìa thì doanh nghiệp phát hành chịu thiệt còn bán theo giá tăng theo hóa đơn nhập thì khách hàng tố cáo nhà sách bán cao hơn giá bìa. Như vậy có thể nói đây là việc làm “cửa quyền” của những đơn vị được phép độc quyền. |
Bình luận (0)