Công văn nêu rõ, thời gian vừa qua, một số báo chí phản ánh về những vướng mắc, bất cập của quy định sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với viên chức, nhất là đối với giáo viên cơ sở đào tạo công lập trong việc thi thăng hạng, bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Thủ tướng yêu cầu sửa đổi, giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến quy định về chứng chỉ thăng hạng giáo viên
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý viên chức, trên cơ sở đó xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và quy định khác có liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức, trong đó nêu rõ những loại chứng chỉ nào là điều kiện để được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ nào là bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) báo cáo cụ thể về nội dung tương tự nêu trên đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên cơ sở công lập các cấp. Đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan cho phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua về vấn đề này.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các Bộ đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3-2021.
Thời gian qua, nhiều giáo viên phản ánh việc đổ xô đi học lấy chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo thông tư vừa được Bộ GD-ĐT ban hành. Việc yêu cầu phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp để thăng hạng giáo viên vừa gây tốn kém cho giáo viên, viên chức nhưng lại không thực chất, dẫn đến tâm lý đối phó.
Theo Thông tư 03-2021 của Bộ GD-ĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở có hiệu lực từ tháng 3-2021, giáo viên trung học cơ sở hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên.
Cũng theo quy định mới, trường hợp giáo viên trung học cơ sở hạng I do chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng I được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II. Sau khi đạt các tiêu chuẩn của hạng I thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng".
Chiếu theo quy định này, giáo viên trung học cơ sở hạng I hiện nay nếu chưa có bằng thạc sĩ sẽ được bổ nhiệm vào hạng II, tức là họ đã rớt hạng. Theo đánh giá của nhiều giáo viên, quy định mới của Bộ GD-ĐT đã quá xem trọng về bằng cấp, làm khó cho giáo viên. Trên thực tế, nhiều giáo viên trung học cơ sở hạng I (qua đợt thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp do Bộ GD-ĐT tổ chức năm 2018) mặc dù có chưa có trình độ thạc sĩ nhưng có năng lực chuyên môn tốt, là giáo viên cốt cán. Thậm chí, với quy định này, các trường ĐH sẽ mở rộng tuyển sinh đào tạo thạc sĩ vì sẽ có rất nhiều giáo viên có nhu cầu về bằng cấp.
"Đây là một bất cập trong phân hạng giáo viên trung học cơ sở theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT. Theo tôi, đối với những người đã được bổ nhiệm vào giáo viên trung học cơ sở hạng I, khi áp dụng quy định mới thì đặc cách cho họ được bổ nhiệm sang giáo viên trung học cơ sở hạng I dù trình độ chỉ là đại học. Quy định phải có trình độ là thạc sĩ theo thông tư mới sẽ là điều kiện để giáo viên thi/xét thăng hạng các đợt sau này" – một giáo viên một trường THCS tại quận Cầu Giấy, Hà Nội kiến nghị.
Bình luận (0)