Chiều 26-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dự Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (HS-SV) lần thứ IV (SV-Startup), tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày hội do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cùng các đơn vị tổ chức. Đây là sự kiện được tổ chức hằng năm với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của HS-SV, giúp HS-SV thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực.
Cần mạnh dạn thay đổi
Sau 4 năm thực hiện đề án "Hỗ trợ HS-SV khởi nghiệp đến năm 2025", tỉ lệ các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% vào cuối năm 2020 lên 33% vào cuối năm 2021, với tối thiểu 1 tín chỉ/môn học.
75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho SV thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp. 100% cơ sở đào tạo đã xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho SV thông qua các diễn đàn, tuần sinh hoạt công dân đầu khóa. Bên cạnh đó, hình thành mạng lưới 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo trên cả nước.
Tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia, nhiều HS-SV bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện để tiếp cận sớm với các kiến thức, kỹ năng về tư duy, sáng tạo khởi nghiệp. Dương Thế Long, SV năm nhất Trường ĐH VinUniversity, cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã có một bước tiến rất dài. Trên 60 quỹ đầu tư mạo hiểm, hơn 70 không gian làm việc chung đã dành cho startup trong các trường ĐH, trên 3.000 doanh nghiệp (DN) startup thành công.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các dự án khởi nghiệp của học sinh - sinh viên
Tuy nhiên, theo Dương Thế Long, đa số các phong trào khởi nghiệp của SV hiện nay chỉ phát triển tại chính trường ĐH mà người đó theo học, làm giảm đi sự kết nối giữa SV các khối trường khác nhau. Do đó, thiếu đi những mắt xích quan trọng trong việc phát triển mô hình, dự án khởi nghiệp.
Dương Thế Long đề xuất xây dựng một hệ thống website kết nối ngay trên nền tảng website của Đề án 1665. Cùng với đó, các nhà trường cần mạnh dạn thay đổi nội dung chương trình để tạo điều kiện cho HS-SV sớm tiếp cận các nội dung về đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp, văn hóa doanh nhân và khát vọng cống hiến cần sớm được trang bị cho HS-SV ngay từ bậc học phổ thông.
Trực tiếp tham gia dự án khởi nghiệp, em Nguyễn Minh Anh, lớp 12D1 Trường THPT số 1 TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai), cho rằng mục tiêu của khởi nghiệp không chỉ thuần túy là một con đường kiếm sống, tạo dựng sự nghiệp. Đó còn là một triết lý sống, khẳng định mình và được thử thách, kiểm nghiệm năng lực bản thân.
Đổi mới sáng tạo trong tư duy
Phát biểu tại ngày hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không phải là chuyện ngày một ngày hai, mà là một quá trình lâu dài, đòi hỏi tầm nhìn, giải pháp căn cơ, chiến lược. Dù vậy, các nước đi sau vẫn có thể rút ngắn được quá trình này nếu học hỏi và áp dụng được kinh nghiệm của các nước đi trước.
Để thúc đẩy khởi nghiệp trong HS-SV và thế hệ trẻ, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, phân tích kỹ hơn, nhìn thẳng vào những mặt mạnh, mặt yếu của người Việt Nam dưới góc độ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm phát huy những mặt mạnh, tích cực và khắc phục, hóa giải những mặt yếu, hạn chế.
Mặt khác, cần sớm khắc phục những tư duy, cách nghĩ không phù hợp, ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nói chung và tới việc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng. Đó là tâm lý "tiểu nông", nếp nghĩ theo kinh nghiệm, ngại thay đổi, tầm nhìn thiển cận; không dám thể hiện chính kiến; thụ động, "an phận thủ thường"; cục bộ, địa phương, dòng họ; tâm lý bình quân chủ nghĩa "xấu đều hơn tốt lỏi", "đèn nhà ai nhà ấy rạng"; tùy tiện, ý thức kỷ luật kém...
Thủ tướng lưu ý việc xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực tài; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; lấy HS-SV làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực. Đặc biệt, đưa giáo dục về khởi nghiệp sáng tạo vào nhà trường không chỉ ở bậc ĐH, sau ĐH mà còn từ các cấp học.
Cùng với đó, Thủ tướng đề cập việc tạo môi trường, thu hút nguồn lực để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hoạt động thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học của nhà trường, giảng viên, SV; tăng cường đầu tư nguồn lực vật chất cho khởi nghiệp như phòng thí nghiệm đạt chuẩn, nguyên liệu để sản xuất thử nghiệm, vốn mồi, hỗ trợ ban đầu cho các dự án, thúc đẩy phát triển các DN khởi nguồn, DN khởi nghiệp ngay trong trường ĐH. Bên cạnh đó, đẩy mạnh kết nối nhà nước - nhà trường - nhà đầu tư trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; đẩy mạnh hợp tác, mở rộng liên kết, kết nối trong nước và quốc tế...
Khẳng định tiếp thu, lĩnh hội đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết với tâm thế, tinh thần quyết tâm cao, toàn ngành giáo dục sẽ nỗ lực thực hiện tốt các chỉ đạo này. Ngành GD-ĐT sẽ thực hiện thật tốt việc trang bị kiến thức, phát triển năng lực, rèn luyện phẩm chất, kỹ năng cho HS-SV từ phổ thông tới ĐH để các em có được nền tảng căn bản cho khởi nghiệp; tích cực bồi đắp ý chí và khát vọng cho HS-SV, tăng cường trang bị kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo. Bộ GD-ĐT sẽ cùng với các bộ, ngành, DN thực hiện kết nối nhà trường với DN, tạo lập môi trường tốt nhất cho hoạt động khởi nghiệp của HS-SV.
400 dự án khởi nghiệp
Điểm nhấn của ngày hội là cuộc thi "HS-SV với ý tưởng khởi nghiệp" được tổ chức trên quy mô toàn quốc với 400 trường ĐH, cao đẳng, trung cấp và THCS, THPT tham gia.
Cuộc thi dành cho HS-SV có độ tuổi 12-24, được phát động từ tháng 4-2021 và nhận được gần 400 dự án. 70 dự án xuất sắc nhất được vào vòng bình chọn và vòng chung kết cuộc thi. Nhiều dự án đã được triển khai và bước đầu thành công. Một số dự án đã chuyển sang giai đoạn có lãi và các chỉ số doanh thu, lợi nhuận có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng.
Bình luận (0)