Tối 27-11, tôi nhận được tin từ bạn bè: "Thầy Tá mất rồi!". Mặc dù biết thầy lâm trọng bệnh, gia đình và thầy đã kiên cường chống lại bệnh tật suốt mấy năm nay nhưng tôi không nghĩ thầy ra đi đột ngột và nhanh đến như vậy. Nhận tin, tôi không khỏi bàng hoàng, ngậm ngùi, thương tiếc một người thầy mà mình luôn kính trọng.
Thương học trò như thương con
Cả một miền ký ức ùa về, đó là vào đầu những năm 1980 khi tôi và thầy Tá cùng có mặt ở Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP HCM. Lúc đó, tôi là anh lính mới vào nghề, còn thầy đã là giảng viên kỳ cựu có tiếng ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Nhưng có một điều lạ là tôi không thấy cách biệt giữa hai thế hệ. Tiếp xúc với thầy, tôi thấy dễ gần chứ không có cảm giác "dễ sợ" như với một số thầy cô khác.
Thầy Tá bao giờ cũng ân cần, chu đáo, tỉ mỉ và tinh tế trong ứng xử. Tôi có thể tâm sự với thầy những điều riêng tư, thầm kín mà không phải e dè, giữ kẽ điều gì. Những lúc như thế, bao giờ tôi cũng nhận được từ thầy tình cảm sẻ chia chân thành và những lời khuyên bổ ích, thiết thực.
PGS-TS Trần Hữu Tá (bìa phải), GS Nguyễn Đăng Mạnh (bìa trái) và gia đình TS Bạch Văn Hợp
Nhớ hồi cuối những năm 90 của thế kỷ trước, tôi làm nghiên cứu sinh do thầy hướng dẫn. Lúc đó, hoàn cảnh vợ chồng tôi cực kỳ khó khăn. Chúng tôi phải oằn lưng kiếm sống với phương châm "tự cứu lấy mình trước khi trời cứu". Do đó, việc làm luận án của tôi có chậm trễ. Thú thật, có lúc tôi đã định bỏ gánh giữa đường.
Khi đó, một mặt thầy nhắc nhở nghiêm khắc về tiến độ thực hiện luận án và yêu cầu cụ thể phải hoàn thành tương ứng với thời gian nhất định; mặt khác, thầy lại an ủi, vỗ về, động viên tôi cố gắng hoàn thành luận án như tấm lòng của một người cha đối với con. Nhờ vậy mà tôi không bỏ cuộc, quyết tâm theo đuổi luận án đến cùng.
Khi luận án của tôi được đưa ra bảo vệ ở cấp tổ bộ môn, tôi nhớ hôm đó, các thành viên hội đồng đã đưa ra nhận xét ưu, khuyết điểm của luận án. Tôi chân thành tiếp thu các ý kiến đóng góp để sửa chữa, bổ sung luận án của mình. Riêng thầy Tá, khi được mời phát biểu, thầy nói: "Những khuyết điểm của luận án, tôi xin chịu trách nhiệm một nửa". Tôi cảm động vô cùng vì được thầy chia sẻ và càng vững tin hơn ở công việc mình làm. Cuối cùng, tôi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ của mình dưới sự hướng dẫn khoa học cũng như sự động viên, khích lệ kịp thời của thầy Tá.
Con người quảng giao, uyên bác
Ai được tiếp xúc với thầy Tá đều có chung một ấn tượng: Thầy là một người quảng giao. Khắp Bắc - Trung - Nam thầy đều có học trò và nhiều bạn bè thân thiết. Lúc thầy còn tại thế, tôi thường nói đùa "đi đâu với thầy Tá chả bao giờ lo đói". Còn nền tảng tri thức của thầy thì khỏi nói. Đó không chỉ là kiến thức chuyên môn sâu về văn học Việt Nam hiện đại - sở trường của thầy mà người học, người đọc đều biết - mà còn là cả những tri thức văn hóa, giáo dục, lịch sử, xã hội học cổ kim Đông Tây trong những công trình nghiên cứu cũng như những bài nói, bài viết của thầy đã công bố. Chính nhờ kiến thức rộng như vậy nên những bài giảng của thầy Tá bao giờ cũng phong phú, đầy ắp tri thức, sinh động, hấp dẫn, có khả năng lay động trái tim người nghe.
Những lần được cắp cặp phụ tá công vụ cho thầy Tá, tôi nhận thấy thầy quả là nhà ngoại giao kỳ cựu. Khả năng ứng tác nhanh nhạy trong mọi tình huống cùng với cử chỉ lịch lãm, mực thước của thầy bao giờ cũng có sức hấp dẫn, chinh phục đối tác một cách kỳ lạ.
Thầy Trần Hữu Tá đã sống một cuộc đời phong phú, nhiều trải nghiệm, lắm khi "thương tích" đầy mình do bạn bè, đồng chí chưa hiểu. Nhưng kết lại, thầy đã sống trọn vẹn một cuộc đời của một con người nhân văn với ý nghĩa cao cả của nó.
Được làm học trò của thầy đối với tôi là một niềm hạnh phúc. Viết những dòng này, tôi xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với thầy và từ trong sâu thẳm lòng mình xin thắp nén tâm nhang kính tiễn thầy về nơi đất Phật bình an, hạnh phúc. Xin kính cẩn nghiêng mình bái biệt thầy.
Bình luận (0)