Chiều 10-6, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, Chủ tịch Hội đồng Chấm thi tốt nghiệp THPT- cho biết tiến độ chấm thi và công bố kết quả thi của TP HCM sẽ sớm hơn so với dự kiến (ngày 15-6). Hiện tại, hội đồng chấm thi đã chấm xong 2 môn lịch sử và địa lý. Đến ngày 12-6 sẽ kết thúc chấm thi và công bố kết quả vào ngày 14-6. Đối với những môn đã chấm xong, số lượng bài thi có điểm dưới 5 chỉ chiếm từ 3%-4%.
Phổ điểm chủ yếu trên trung bình
Ông Ngô Văn Chất - Trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội - cho biết Hà Nội đã chính thức chấm thi tốt nghiệp từ ngày 8-6. Hiện các giám thị đã chấm xong vòng 1, đang chấm thi ở vòng 2, sau đó sẽ khớp điểm. Sở đã thanh tra bất thường ở các điểm chấm thi và lưu ý giám thị chấm đúng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, những trường hợp bài làm ngoài hướng dẫn, nếu thể hiện sự sáng tạo, lập luận chặt chẽ thì vẫn chấm điểm.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh, ông Trịnh Khôi, cho hay sở này dự kiến sẽ hoàn thành việc chấm thi vào ngày 12-6. Nhận định ban đầu về kết quả thi năm nay, ông Khôi cho biết phổ điểm các môn năm nay xoay quanh mức trung bình (5-6 điểm). Riêng về môn ngữ văn, đến sáng 10-6 đã có điểm 9. Đánh giá về cách ra đề mới của Bộ GD-ĐT năm nay, ông Khôi chia sẻ: “Mọi năm đã có trường hợp thí sinh (TS) không làm được chữ nào nhưng năm nay thì không. Chưa có TS nào bị điểm liệt”.
Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang dự kiến sẽ công bố kết quả thi sớm gần 1 tuần. Ông Ngô Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang, cho biết tỉnh đã hoàn thành 20% bài thi. Kết quả cho thấy 2 môn lịch sử và địa lý có nhiều điểm cao hơn năm trước, 2 môn bắt buộc là ngữ văn và toán thì có khoảng hơn 80% tổng số bài đã chấm đạt trên trung bình. Cũng theo ông Sơn, dự kiến chiều 13-6, Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang sẽ công bố kết quả thi.
Ông Trần Quang Mẫn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, cho hay dự kiến sẽ báo cáo kết quả thi về Bộ GD-ĐT vào ngày 15-6, công bố kết quả thi vào ngày 16-6. Hiện sở đã chấm được trên 15% tổng số bài thi, phổ điểm các môn nằm trong khoảng từ 3,4-7,8 điểm.
Ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết sở mới triển khai chấm thi từ ngày 9-6. Kết quả chấm ban đầu cho thấy các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý chỉ ở mức khá, chưa có các bài điểm 9-10.
Còn theo ông Đoàn Đức Liêm, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình, báo cáo sơ bộ đến ngày 10-6 cho thấy kết quả khá tốt. Môn ngữ văn đã có 10 TS đạt điểm 8,5 và chưa có TS nào bị điểm liệt vì trả lời lạc đề. Hiện có khoảng 30 TS đạt điểm tuyệt đối môn toán. Riêng phần tự luận môn ngoại ngữ kém hơn những môn khác nhưng đây là phần chỉ chiếm 25% tổng số điểm nên chưa thể có được kết quả cuối cùng.
Băn khoăn đáp án môn ngữ văn
Dù đề thi môn ngữ văn được đánh giá là hay, đáp án mở nhưng nhiều giáo viên tham gia chấm thi môn văn cho biết rất khó tìm bài thi đạt điểm tuyệt đối.
Cô Nguyễn Thu Trang, giáo viên Trường THPT Lê Thánh Tôn (TP HCM), nhận xét qua các bài thi, có một vấn đề là TS chưa bộc lộ được cảm xúc cá nhân. Ở câu hỏi mở TS chủ yếu nêu quan điểm chung, còn cảm xúc cá nhân thật sự chưa bày tỏ được nhiều. “Hầu hết các em đều làm đúng với đáp án, phổ điểm đa số trên trung bình, từ 6-6,5 điểm nhưng không có điểm cao, hiếm có bài viết lay động người đọc” - cô Trang cho biết.
Bên cạnh đó, các giám khảo môn văn còn cho biết có bất ổn trong đáp án câu 2 phần đọc hiểu môn ngữ văn. “Giữa câu hỏi và đáp án có độ vênh bởi trong đề hỏi phong cách ngôn ngữ gì. Tức là yêu cầu hỏi về phong cách báo chí hay chính luận. Với câu hỏi này, TS hiểu là chỉ cần trả lời 1 trong 2 đáp án. Tuy nhiên, đáp án lại yêu cầu TS ngoài nêu phong cách ngôn ngữ gì phải lý giải thêm đặc trưng của từng phong cách đó nên hầu hết TS chỉ trả lời phong cách nào là xong nên mất oan 0,25 điểm” - cô Nguyễn Thu Trang cho biết.
Trước những băn khoăn liên quan đến việc chấm thi môn văn, chiều 10-6, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, cho hay bộ khuyến khích và chấp nhận các đáp án khác nhau. Để có hướng dẫn chấm tốt nhất, bộ đã mời thêm chuyên gia, giáo viên trực tiếp giảng dạy ở các trường phổ thông cùng góp ý để hoàn thiện hướng dẫn chấm. Thay vì đếm ý lấy điểm như trước, năm nay bộ chỉ đưa ra chuẩn chung là yêu cầu thí sinh thể hiện được những ý tưởng chính, gửi gắm được thông điệp mình muốn nói tới người đọc. Thí sinh nào trình bày với văn phong tốt, diễn đạt logic, lập luận chặt chẽ chắc chắn sẽ được điểm cao.
“Ăn” điểm phần biển đảo
Một giáo viên Trường THPT Trần Phú (TP HCM) cho hay môn sử tại TP HCM đã chấm xong từ ngày 9-6, nhận xét về phổ điểm, giáo viên này cho biết có khá nhiều điểm cao ở môn sử vì đề thi và đáp án năm nay rõ ràng, đặc biệt phần liên quan đến thực tế biển đảo, TS làm khá tốt. Tại Quảng Bình, trong số 55% bài thi môn lịch sử được chấm có 45 TS đạt 9,5 điểm.
Một giáo viên chấm thi môn địa của Hà Nội nhận xét thông thường với đề mở, tâm lý TS hay sợ mình bị điểm thấp, thế nhưng với đề mở liên quan đến biển đảo năm nay, TS làm bài khá tốt. Đa phần đều thể hiện đầy đủ các ý trong đáp án và gần như các em đều đạt được điểm tối đa ở những câu hỏi liên quan đến biển đảo.
Bình luận (0)