Tràn đầy năng lượng, thích điều khác biệt, lớn lên trong thời đại bùng nổ công nghệ và internet, dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin phong phú nên gen Z không ngại tìm kiếm cơ hội và môi trường để học hỏi sâu rộng, làm điều mình thích.
Học đi đôi với hành
Hoàng Thị Trúc Thủy (21 tuổi, sinh viên báo chí) rất tâm đắc với các thử thách mang tính thực chiến trong chương trình học. Vừa qua, để hoàn thành bài cuối kỳ cho môn "Tin và phóng sự", Thủy cùng các bạn quyết tâm dành hơn nửa tháng tiếp cận, quay hình, phỏng vấn các thành viên Sân khấu Cải lương Chí Linh - Vân Hà.
Thảo Quyên (thứ 2 từ phải qua) cùng các bạn trong một dự án cộng đồng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Phóng sự "Cải lương - mạch nguồn văn hóa không ngừng chảy" được hoàn thiện một cách tỉ mỉ, đong đầy cảm xúc. Không chỉ vì mục tiêu về điểm số, động lực lớn hơn của nhóm Thủy là thật sự được "chạm" vào, được tìm hiểu cặn kẽ một loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc; thông qua sản phẩm mình thực hiện để lan tỏa thông điệp cho bạn bè đồng trang lứa quan tâm hơn đến văn hóa nước nhà. Làm bài kiểu đối phó hay học chỉ vì thành tích là điều không có trong suy nghĩ của các bạn trẻ này.
Tuyết Ân tự tin toả sáng tại chương trình You Branding 2022
Với Nguyễn Ngọc Thảo Quyên, những năm tháng sinh viên của cô gắn liền cùng các hoạt động ý nghĩa của Trung tâm Service-Learning - nơi triển khai, phát triển mô hình học thông qua gắn kết cộng đồng. Những ngày đầu của năm thứ hai đại học, Quyên hăng hái tham gia "Diều ngược gió" - dự án dạy kỹ năng tài chính cá nhân cho thiếu nhi được trung tâm tổ chức.
Trong 8 tháng, Quyên trải qua những buổi tập huấn lý thuyết cùng chuyên gia và các buổi dạy cho các em nhỏ. Cô lần đầu được bước ra khỏi lớp học, đến gần hơn với những tình huống thực tế và trực tiếp đóng góp khả năng cho cộng đồng.
Nhờ không ngại cọ xát, biết cách quản trị thời gian và cân bằng tâm lý khi đảm đương nhiều đầu việc từ lúc còn đi học, Quyên không gặp quá nhiều khó khăn khi chính thức gia nhập thị trường lao động. Cô tốt nghiệp thủ khoa ngành kinh doanh quốc tế và đang làm việc tại một tập đoàn đa quốc gia.
Cô gái 23 tuổi này bồi hồi nhớ lại: "Các hoạt động kết nối cộng đồng giúp người trẻ có trải nghiệm trọn vẹn, sâu sắc hơn về cuộc sống. Gen Z được rèn luyện sự chủ động trong suy nghĩ, có ý thức trách nhiệm về hành động của mình. Những bài học đúc kết được trong quá trình hoạt động xã hội là tiền đề vững chắc cho bạn trẻ khi bước chân vào đời sống. Đó là hành trang quý giá mà tôi luôn trân trọng".
Khao khát lớn mạnh
Theo Lạc Tuyết Ân (21 tuổi, sinh viên ngành quảng cáo), việc học không phải chỉ gói gọn trong chuyện học đầy đủ các môn đại cương hay chuyên ngành.
Talkshow về nghệ thuật giao tiếp do sinh viên ngành Quan hệ công chúng (UEF) tổ chức
"Đại học là giai đoạn vàng để gen Z thử thách và phát triển bản thân trong các câu lạc bộ (CLB), chương trình Đoàn - hội. Qua đó, mỗi người có cơ hội mở rộng mối quan hệ, từ những người bạn mới đến những bậc tiền bối. Họ chính là mắt xích bền chặt trong hành trình kiến tạo tương lai của bạn trẻ" - Ân nhận xét.
Là phó bí thư Đoàn khoa, Ân còn thỏa sức thể hiện đam mê với vai trò phó chủ nhiệm CLB Mic Zone - một CLB về MC. Theo cô, những kỹ năng từ việc hoạt động CLB và Đoàn - hội tạo điều kiện để người trẻ rèn giũa chính mình, biết cách làm việc có mục đích và không ngại khó, ngại khổ.
Lạc Tuyết Ân là một trong những gương mặt nổi bật tại You Branding 2022 - cuộc thi về xây dựng thương hiệu cá nhân ở trường. Thời gian qua, cô đã tự tin "cầm mic" trong nhiều chương trình lớn, nhỏ và tham gia thực hiện các ấn phẩm truyền thông ấn tượng.
Tiếp xúc và đồng hành với nhiều bạn trẻ giàu nhiệt huyết khác, Ân càng có cảm hứng sống tích cực, quyết tâm dùng sức trẻ khai phá những địa hạt mới mẻ, sẵn sàng bứt phá, khẳng định bản thân. Cô tin rằng dù đang theo học ngành gì thì việc làm giàu vốn sống, có hiểu biết thêm về các lĩnh vực khác cũng rất cần thiết.
Lớp học không còn là nơi đọc - chép
Khi gen Z ngày càng có muôn vàn cách học thì các trường và giảng viên cũng có nhiều cải thiện đáng kể về cách dạy và môi trường học tập. Vẫn không loại bỏ các phương pháp dạy học truyền thống như thuyết trình, đàm thoại, bài tập, nhiều nơi đã kết hợp thêm những hình thức hiện đại, phát huy tính năng động, sáng tạo của sinh viên. Thầy cô vẫn có thể định hướng, hỗ trợ nhưng không áp đặt mà khuyến khích, mở ra những góc nhìn, cách làm phù hợp mong muốn và năng lực của sinh viên.
Chẳng hạn, để vận dụng kiến thức đã học trong môn "Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn", sinh viên ngành quan hệ công chúng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính cùng nhau tổ chức talkshow với chủ đề "Nghệ thuật giao tiếp và phỏng vấn trong môi trường đa văn hóa". Các bạn được dịp củng cố, đối chiếu và mở rộng những điều được học khi liên hệ mời diễn giả, xây dựng kịch bản, dựng video clip, thực hiện chiến dịch truyền thông quảng bá sự kiện, đón tiếp khách mời... Đó là một tiết học đặc biệt, được làm nên từ công sức của cả tập thể lẫn nỗ lực, chăm chút của từng cá nhân; ai cũng đều rút ra được giá trị thiết thực và kỷ niệm đáng nhớ cho bản thân.
Bình luận (0)