Năm 1994, nhân có cuộc thi bình văn trên Kiến thức Ngày nay, tôi vào TP HCM gặp bạn bè được giải cuộc thi. Anh Lê Tiến Dũng, bạn đại học (ĐH) hồi ở Huế, dẫn tôi đến thăm, gặp thầy Trần Hữu Tá lần đầu ở 231 Nguyễn Văn Cừ, cạnh khuôn viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM. Từ đó đến nay đã gần 40 năm…
Thầy hướng dẫn từ luận văn tới luận án
Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế, ngành ngữ văn, tôi về công tác ở tỉnh Phú Khánh (nay là 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa) từ năm 1979 đến 1994. Sau đó, khi Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP HCM tổ chức đào tạo khóa cao học văn học tại Nha Trang, tôi tham gia khóa học này và được thầy hướng dẫn luận văn thạc sĩ. Ngay từ hồi đó, thầy đã dành cho tôi những tình cảm, sự ưu ái, động viên tôi tiếp tục học bậc tiến sĩ và thầy cũng có ý động viên tôi theo con đường nghiên cứu và giảng dạy ở trường ĐH.
Hồi đó, ở tuổi 37, công việc, cuộc sống của gia đình tôi đã khá ổn định tại Nha Trang. Việc đưa cả gia đình từ Nha Trang vào TP HCM, thay đổi môi trường công tác với tôi lúc ấy dù sao cũng là điều cần phải cân nhắc. Nhưng với sự động viên của thầy Trần Hữu Tá, thầy Hoàng Như Mai cùng nhiều thầy cô và bạn bè cùng trang lứa, tôi quyết định làm nghiên cứu sinh và tự làm một cuộc thay đổi lớn đối với bản thân và gia đình.
PGS-TS Nguyễn Thành Thi (bìa phải) và PGS-TS Trần Hữu Tá (ngồi giữa)
Sau khi được thầy hướng dẫn luận văn thạc sĩ, tôi lại tiếp tục mời thầy hướng dẫn luận án tiến sĩ. Nhưng là luận án tiến sĩ thì phải vào TP HCM học tập tập trung.
Hồi bấy giờ, từ một tỉnh ở miền Trung, chuyển công tác vào TP HCM ngoài điều kiện chuyên môn còn phải kèm theo nhiều điều kiện khác nữa, mà đối với những người như tôi thật sự là thử thách không nhỏ. Tôi phải tá túc ở nhà bạn bè, người thân, phải vừa đi học vừa tham gia dạy học một số tiết ở trường phổ thông, thậm chí dạy luyện thi ĐH để trang trải cuộc sống.
Cũng may là bấy giờ, GS Hoàng Như Mai là Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Dân lập Trương Vĩnh Ký, thầy Trần Hữu Tá cũng tham gia Ban Giám hiệu, các thầy tin tưởng và giao cho tôi dạy một vài lớp cuối cấp của trường. Nhờ vậy, tôi bám trụ được ở TP HCM, cuộc sống tạm ổn và hoàn thành được luận án tiến sĩ.
Khích lệ học tập và thử thách trong công tác
Năm 2000, trước khi bảo vệ luận án, tôi đã được thầy Trần Hữu Tá và Ban Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP HCM nhận về làm giảng viên ở khoa (tất nhiên là nhận sau khi tôi thực hiện dạy thử một số bài giảng cho sinh viên năm thứ 3 có giảng viên trong khoa dự giờ). Tôi hiểu rằng đây là một sự khích lệ nhưng cũng là một thử thách mới. Và tôi đã cố gắng không phụ lòng thầy cũng như các thầy cô và bạn bè trong khoa.
Thật sự thì tôi đã rất vui, rất phấn chấn vì môi trường và công việc chuyên môn mới của mình. Tôi về công tác ở Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP HCM từ năm 2000 đến nay, đã hơn 22 năm. Tôi yêu quý công việc, con người ở Khoa Ngữ văn, đến mức tự nhắc với mình rằng tôi sẽ gắn bó với khoa mãi mãi. Bởi vì tôi rất trân trọng cơ hội mà thầy Trần Hữu Tá cùng các thầy cô, bạn bè trong khoa đã trao cho mình.
Cùng với thầy Trần Hữu Tá, thầy Hoàng Như Mai, thầy Nguyễn Lộc, tôi và nhiều bạn bè ở Khoa Ngữ văn còn có một niềm vui chung là tham gia các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu và giảng dạy văn học trong Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP HCM. Chúng tôi có thêm niềm vui bên các thầy và cũng có thêm cơ hội để làm một số việc có ích cho chuyên môn cũng như cho ngành giáo dục của thành phố và một số tỉnh phía Nam.
3 lời khuyên vô giá
Tôi nhớ nhất 3 lời khuyên của thầy: 1. Chớ đam mê luyện thi kiếm tiền; 2. Đầu tư có hệ thống vào các vấn đề lý thuyết và lịch sử văn học để đáp ứng chuyên môn ở ĐH, sau ĐH; 3. Đầu tư vào lý luận và phương pháp dạy học bộ môn ngữ văn và các vấn đề liên quan đến nghiệp vụ dạy học ở trường THPT.
Sợ rằng vào TP HCM, khi đã bắt đầu có chút tên tuổi trong làng luyện thi, được một số trung tâm luyện thi mê hoặc, tôi sẽ sa vào việc dạy luyện thi, tăng thu nhập, lơ là nhiệm vụ chuyên môn nghiên cứu và giảng dạy ở ĐH, thầy Trần Hữu Tá luôn nhắc tôi phải tập trung đầu tư cho công việc chuyên môn của khoa. Cũng nhờ vậy, tôi có điều kiện tự trang bị cho mình không chỉ để dạy các giáo trình chuyên đề FFH về các thể loại văn học nói riêng, văn học hiện đại nói chung mà còn tích lũy được tri thức kinh nghiệm về lý luận phương pháp dạy học bộ môn… Giờ đây, khi làm nhiệm vụ giảng dạy chuyên đề cao học, nghiên cứu sinh, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, tôi càng ngày càng thấy biết ơn thầy Trần Hữu Tá đã lưu ý nhắc nhở tôi đọc, trang bị nâng cao tri thức chuyên sâu về lý thuyết và lịch sử văn học (nhất là các vấn đề về thể loại văn học).
Quả thật, nhờ lời khuyên thứ nhất của thầy, tôi biết dừng lại đúng lúc việc dạy luyện thi để làm cho xong luận án, chăm chỉ đọc sách nghiên cứu hơn. Nhờ lời khuyên thứ 2, sau này khi đảm nhiệm giảng dạy các học phần/ chuyên đề chuyên sâu, tôi cảm thấy mình tự tin hơn. Và nhờ lời khuyên thứ 3, tôi có thêm một số tri thức, kinh nghiệm để tham gia viết sách giáo khoa, sách tham khảo cho học sinh phổ thông.
Ân tình nhớ mãi không quên. Hôm nay kể lại đôi dòng để trân quý và xin tiễn biệt thầy Trần Hữu Tá!
Thấm lời thầy khi biên soạn sách giáo khoa
Có một điều tôi còn thấy mình may mắn hơn khi được thầy nhắc nhở rằng nghiên cứu giảng dạy ở Trường ĐH Sư phạm TP HCM cần phải đặc biệt quan tâm thêm đến các vấn đề về lý luận và phương pháp dạy học bộ môn ngữ văn. Quả thật, giờ đây, trải qua 3 lần tham gia biên soạn sách giáo khoa ngữ văn ở trường phổ thông (lần biên soạn sách giáo khoa thí điểm phân ban; biên soạn sách giáo khoa theo Chương trình Ngữ văn THPT 2006 và lần này sách giáo khoa THCS, THPT theo Chương trình Ngữ văn 2018), tôi mới giật mình nghĩ lại, hồi ấy mà không có lời khuyên của thầy, không nghe lời thầy thì không biết tôi sẽ lấy vốn liếng kinh nghiệm, tri thức ở đâu ra để đảm nhiệm công việc biên soạn sách giáo khoa vốn không hề dễ dàng này.
PGS-TS NGUYỄN KIM HỒNG, nguyên Hiệu trưởng Trường Sư phạm TPHCM:
Tấm lòng cao cả, tấm gương sáng tạo
Năm 1993, tức là gần 60 tuổi, thầy Trần Hữu Tá mới bảo vệ luận án tiến sĩ. Việc có đủ ít nhất 7 công trình đăng trên tạp chí khoa học những năm cuối thập niên 1980 đầu 1990 là rất khó. Thế mà chỉ sau bảo vệ một vài năm, năm 1996 thầy được phong PGS và cũng năm ấy được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) do những cống hiến của thầy cho giáo dục nước nhà.
Rất nhiều công trình nghiên cứu của PGS-TS-NGƯT Trần Hữu Tá được thực hiện khi ông đã ngoài 60 (tôi đếm được có tới hơn 20 công trình của ông - tức 1/3 số công trình không tính bài báo khoa học, được xuất bản khi ông ngoài 55 tuổi, 14 công trình trong số kể trên được công bố sau tuổi 60 như bộ "Từ điển Văn học" (đồng chủ biên bộ mới, 2006), "Từ bục giảng đến văn đàn" (2020). Sức lao động sáng tạo ngoài tuổi 60 của một nhà giáo đáng để cho thế hệ học trò noi gương.
Vĩnh biệt ông - vĩnh biệt người thầy yêu quý, vĩnh biệt một tấm lòng cao cả, một tấm gương học tập và lao động suốt đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay.
Thầy NGUYỄN VĂN CẢI, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi, TP HCM:
Cảm ơn nghề giáo đã cho tôi gặp thầy
Dẫu biết rằng cuộc đời là cõi tạm nhưng khi hay tin thầy về cõi vĩnh hằng, tôi và các học trò của thầy không khỏi bàng hoàng, thương tiếc! Bao kỷ niệm về một người thầy mẫu mực mà gần gũi, vĩ đại mà bình dị ùa về trong tôi. Dù thời gian ở gần bên thầy ít nhưng tôi may mắn là được làm việc cùng với thầy một quãng thời gian dài với nhiều công việc khác nhau.
Trước hết, khi là sinh viên, tôi cũng như các anh chị em học trò khác của thầy cảm nhận từng giờ lên lớp, từng lời giảng, từng câu chuyện thầy trao truyền chất chứa không chỉ kiến thức khoa học mà còn là kỹ năng, là đạo đức, phong cách, là phương pháp và trên hết là sự quan tâm, chia sẻ một cách chân thành, dung dị bởi trái tim yêu thương của người thầy mẫu mực, trọn vẹn chữ tâm!
21 năm đứng trên bục giảng, giờ nhìn lại, tôi cảm nhận niềm hạnh phúc trên con đường mình đang đi và điều thầy dạy năm xưa đúng đắn. Cảm ơn nghề giáo đã cho tôi gặp được PGS-TS-NGƯT Trần Hữu Tá - người thầy mẫu mực, tận tụy, giản dị, gần gũi. Gương thầy luôn sáng để chúng em noi theo!
H.Lân ghi
Bình luận (0)