Gánh hát là nhà
Hành trình đến đoàn lô tô của chị Ái Diễm - anh Hoàng Nghĩa (xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), chúng tôi dừng chân tại một bãi đất trống, không địa chỉ cụ thể. Mái nhà của cả đoàn cũng chỉ được dựng tạm từ tôn cũ.
Từ những người bán vé, hát mướn, chị Diễm - anh Nghĩa gặp nhau rồi nên duyên vợ chồng đã hơn 20 năm. Họ thành lập đoàn lô tô riêng. Trải qua nhiều thăng trầm, đoàn tan rã. Hai vợ chồng phải thuê trọ rồi làm đủ nghề. Chị Diễm đi hát đám tang, đám giỗ hay dọn dẹp nhà cửa... còn anh Nghĩa thì đi thu mua phế liệu. Vừa trang trải cuộc sống, họ vừa dành dụm mở lại đoàn lô tô.
Cổng chào của Đoàn lô tô Ái Diễm - Hoàng Nghĩa
Sau đợt dịch COVID-19, năm 2021, từ những đồng vốn tích lũy được và mượn thêm bạn bè, cặp đôi này mở lại đoàn lô tô và bám trụ đến nay. Chị Diễm quán xuyến việc bến bãi, chuyện trong ngoài, còn anh Nghĩa lo âm thanh, ánh sáng, điện nước, sinh hoạt cho cả đoàn.
Các thành viên Đoàn lô tô Ái Diễm - Hoàng Nghĩa đến từ nhiều nơi: Vĩnh Long, An Giang... Có người gắn bó vài tháng, có người lâu bền và ai cũng được đón nhận thân tình. Chị Diễm - anh Nghĩa chu đáo sắp xếp công việc, chỗ ăn, chỗ ở phù hợp cho từng thành viên. Dẫu khó khăn ra sao, họ vẫn luôn lo cho đoàn chu toàn nhất có thể, vì đối với anh chị, gánh hát lô tô là nhà.
Chị Ngọc Nhi, một thành viên trong đoàn, bày tỏ: "Sống cái nghề hội chợ nhưng tình nghĩa lắm! Có gì ăn nấy, coi nhau như gia đình vậy".
Hết mình với đam mê
Nhiều thành viên của Đoàn lô tô Ái Diễm - Hoàng Nghĩa thuộc cộng đồng LGBT. Lô tô không chỉ là "kế sinh nhai" mà còn là nơi để họ tự do thể hiện cảm xúc và cá tính. Với họ, được hát trên sân khấu là được sống thật với chính mình và tiếng hát ấy là tiếng hát tươi tắn, đong đầy cảm xúc.
Tuyết Nhi, một trong 2 "cô đào" hát ở đây, tâm sự: "Tôi hạnh phúc khi được mang lời ca, tiếng hát cho đời, đem niềm vui đến cho bà con cô bác. Gia đình cũng ủng hộ tôi làm công việc này".
Tiếng hát lô tô đã trở thành món ăn tinh thần của người dân nơi đây - khi "bóng dáng" công nghệ còn chưa ăn sâu vào thói quen và lối sống, nơi điều kiện vật chất còn nhiều hạn chế và giá trị tinh thần mà đoàn lô tô mang lại được trân trọng. Người dân có cái nhìn đầy cảm thông, quý mến các thành viên đoàn lô tô, dù họ là ai, thuộc giới tính nào.
Nhóm tác giả (4 người áo đen từ trái qua) cùng đoàn lô tô
Mấy ngày đêm đồng hành với đoàn lô tô giúp nhóm bạn gen Z chúng tôi hiểu hơn về một bộ môn nghệ thuật mang đậm sự gần gũi, chân phương mà đầy cuốn hút. Không bị cuốn vào mạng xã hội và đủ loại hình giải trí từ điện thoại, chúng tôi say sưa quan sát và trò chuyện, để nhận ra nhiều câu chuyện sâu sắc của những con người nơi đây. Họ phải đối diện nhiều chật vật khi bám trụ cái nghề đã qua thời "hoàng kim". Song, mối lo cơm áo gạo tiền, cái ăn, cái mặc không khiến họ bỏ quên tình yêu với nghề hát, với ánh đèn sân khấu.
Ngọc Nhi xúc động: "Cái nghiệp này đầy tiếng cười lẫn nước mắt. Đến đâu mà được khán giả thương, cảm thấy như thân thuộc, như được yêu chiều, quý mến là chúng tôi nhận ra điều mình làm có ý nghĩa và thêm động lực theo đuổi".
Tưởng chừng lô tô đã mai một, vắng bóng trong đời sống hiện nay nhưng nó vẫn có sức sống bền bỉ, với nhiều đổi mới, sáng tạo phù hợp hơi thở hiện đại. Nhiều người đã dành hết tuổi xuân cho tiếng hát lô tô và vẫn khao khát gắn bó với nghề này lâu nhất có thể.
Bình luận (0)