Trong đợt xét giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2019 có 16 ứng viên GS, PGS bị "trượt" ở vòng Hội đồng Giáo sư nhà nước (HĐGSNN) mặc dù đã được các hội đồng ngành/liên ngành thông qua.
Rất xuất sắc vẫn "trượt"
Bảy ứng viên GS bị "trượt" có 2 ứng viên liên ngành cơ khí động lực, 1 ứng viên ngành kinh tế, 2 ứng viên ngành vật lý, 2 ứng viên ngành y. Chín ứng viên PGS bị "trượt" có 1 ứng viên liên ngành cơ khí động lực, 1 kinh tế, 3 vật lý, 2 y học, 2 văn hóa nghệ thuật - thể dục thể thao.
Danh sách các ứng viên GS bị đánh trượt có nhiều người rất xuất sắc như trường hợp PGS Lê Hữu Song - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. PGS Lê Hữu Song có tổng điểm khoa học là 41,6 điểm, cao thứ hai trong số 10 ứng viên GS ngành y năm 2019. Ông không chỉ có nhiều bài báo quốc tế có chất lượng cao, được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2018... mà còn là chủ nhân của nhiều giải thưởng trong và ngoài nước có giá trị: Bằng khen của Tổ chức Sở hữu trí tuệ quốc tế (World Intellectual Property Organization - WIPO); giải thưởng Alexandre Yersin 2018 do Hiệp hội Y khoa Thụy Sĩ - Việt Nam trao tặng cho công bố y học quốc tế xuất sắc; giải nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2018. Ông cũng là ứng viên GS duy nhất có Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ và sở hữu 10 bằng phát minh, sáng chế do Cục Sở hữu trí tuệ cấp.
TS Ngô Tất Trung là ứng viên ngành y học có 14 bài báo quốc tế, trong đó 9 công trình là tác giả chính (10 bằng phát minh độc quyền sáng chế); 1 Bằng khen của Tổ chức Sở hữu trí tuệ quốc tế (WIPO); 1 Giải thưởng Alexandre Yersin 2018 do Hiệp hội Y khoa Thụy Sĩ - Việt Nam trao tặng cho công bố y học quốc tế xuất sắc. Tương tự, TS Trần Quang Huy (Trường ĐH Phenikaa) ở 2 vòng đánh giá của hội đồng cơ sở và hội đồng ngành, ông nhận được 100% phiếu thông qua. Tính tới thời điểm nộp hồ sơ, ông đã hướng dẫn thành công 6 thạc sĩ (2015-2018); đang hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh và 1 học viên cao học; chủ biên và tham gia biên soạn 3 đầu sách; chủ nhiệm 1 đề tài cấp nhà nước và 1 đề tài cơ sở đã bảo vệ thành công...
Thiếu công bằng?
Theo ông Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng HĐSGNN, một số nhà khoa học trẻ có tâm tư vì cho rằng có thành tích nghiên cứu khoa học tốt, nhiều công trình công bố quốc tế sẽ được dùng để thay thế cho các tiêu chuẩn về hoạt động đào tạo.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng 7 ứng viên GS thì có 6 người không được HĐGSNN đưa vào danh sách bầu là do đều phạm vào tiêu chuẩn không có hướng dẫn nghiên cứu sinh; không chủ trì biên soạn giáo trình/chuyên khảo theo quy định.
Trường hợp ứng viên GS ngành vật lý thì mới được công nhận PGS năm 2018 và đến năm 2019 nộp hồ sơ xin xét chức danh GS. Điểm của ứng viên này rất cao, đạt tới hơn 65 điểm nhưng hội đồng nhận ra số điểm này được tích lũy chủ yếu trong thời gian trước khi làm PGS.
Đối với 9 ứng viên PGS, ông Trần Anh Tuấn cho hay các ứng viên đều thiếu một trong các điều kiện sau: thiếu hướng dẫn học viên được cấp bằng thạc sĩ; không tham gia đào tạo liên tục 3 năm cuối; đang trong thời gian bị kỷ luật; thiếu bài báo quốc tế nhưng không có chương sách do NXB quốc tế uy tín hoặc sách chuyên khảo do NXB uy tín; thiếu giờ giảng, phải gấp đổi điểm công trình khoa học nhưng không đạt đủ số điểm tối thiểu theo quy định.
Phản hồi thông tin từ phía HĐGSNN, TS Trần Quang Huy cho rằng việc đánh giá ông "chưa nghiêm túc kê khai theo bản mẫu đăng ký" là một kết luận cảm tính, không theo tiêu chuẩn nào, nên khó thuyết phục. TS Huy khẳng định ông có 4 năm liên tục tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ ĐH trở lên (trong đó có 3 năm cuối) tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ và đã cung cấp đầy đủ minh chứng trong hồ sơ. HĐGSNN đã bỏ sót, không xem xét đến các minh chứng giảng dạy của ông năm 2018 - 2019, nên kết luận không công bằng.
Bình luận (0)