Nhu cầu lớn
Theo danh mục mà Bộ GD-ĐT công bố, số chương trình LKĐT lần này tăng 15 chương trình so với trước. Một lãnh đạo của Viện ĐH Mở, nơi có không ít chương trình LKĐT vừa được phê duyệt, nhận định nhu cầu học các chương trình LKĐT với nước ngoài đang gia tăng.
Sinh viên xuất sắc trong chương trình LKĐT giữa ĐH Griggs (Mỹ) và ĐH Quốc gia Hà Nội nhận học bổng
Ngoài ưu điểm lớn là sinh viên không cần có kết quả tuyển sinh cao vẫn có thể đậu ĐH thì mức học phí chỉ bằng khoảng 2/3 so với đi du học cũng là điều hấp dẫn nhiều thí sinh. Ông Nguyễn Song Bình, Phó Giám đốc chương trình Cử nhân Quản trị kinh doanh liên kết với ĐH Griggs (Mỹ) của ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng đăng ký theo học các chương trình LKĐT đang là xu thế ngày càng được nhiều sinh viên lựa chọn. Thậm chí, lượng sinh viên đăng ký theo học LKĐT còn tăng ngoài dự kiến của các cơ sở đào tạo.
Theo phân tích của ông Bình, nếu ra nước ngoài ngay từ năm đầu học ĐH, các em sẽ gặp phải 2 rào cản lớn là yêu cầu cao về ngoại ngữ và chi phí học tập. Hiện nay, chi phí cho một năm học ở nước ngoài khoảng 300-500 triệu đồng, nhưng nếu học liên kết trong nước 2 năm rồi chuyển tiếp thì có thể tiết kiệm được tới 75% chi phí học tập.
Đón đầu xu hướng này, trong mùa tuyển sinh 2011, hàng chục trường ĐH từ tốp đầu đến tốp giữa đã công bố chiêu sinh các chương trình LKĐT. Theo thông báo của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia TPHCM, năm 2011, trường sẽ xét tuyển ĐH Công nghệ Thông tin dựa trên học bạ phổ thông và điểm thi ĐH khối A, đào tạo toàn thời gian tại trường theo chương trình của ĐH Auckland UT (New Zealand); Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chiêu sinh LKĐT với các trường nước ngoài như ĐH Troy (Mỹ), Viện ĐH Quốc gia Bách khoa Grenoble (Pháp), ĐH Leibniz Hannover (Đức), ĐH Công nghệ Nagaoka (Nhật), ĐH Victoria Wellington (New Zealand)…
Số lượng chương trình LKĐT “bùng nổ” nhưng chất lượng thế nào lại là vấn đề cần phải bàn đến. Ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, cho rằng khi lựa chọn chương trình LKĐT, quan trọng nhất là người học phải nắm rõ thông tin để có quyết định đúng đắn. Thực tế, không ít cơ sở tổ chức LKĐT… “chui”, chất lượng rất kém.
Ví dụ điển hình là Viện Khoa học Phát triển nhân lực quốc tế - Sài Gòn mà Báo Người Lao Động từng thông tin. Khi trả lời câu hỏi của Báo Người Lao Động về những sai phạm trong LKĐT của viện này, ông Phạm Ngọc Trúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết dù chưa được cấp phép hoạt động giáo dục đào tạo nhưng viện này vẫn LKĐT với rất nhiều cơ sở giáo dục từ Quảng Ngãi đến Cần Thơ. Điều này cũng có nghĩa là viện đang đào tạo “chui” với mục đích thu lợi nhuận từ khoản học phí không nhỏ của các học viên.
Một thông tin nữa cũng rất đáng lưu tâm, đó là những trường hàng đầu thế giới thường không tham gia LKĐT. Ông Vang cho biết để bảo vệ thương hiệu thì thường những trường thuộc tốp 100-200 trường hàng đầu thế giới sẽ không LKĐT, không đưa chương trình đào tạo của họ ra nước ngoài.
Khi bỏ ra một số tiền không nhỏ để theo học các chương trình LKĐT, lời khuyên của các chuyên gia giáo dục là người học cần phải kiểm tra thật kỹ chương trình định theo học đã được cấp phép hay chưa. Ngoài ra, cần kiểm tra qua mạng về thứ hạng của trường liên kết để có thể đưa ra những nhận định về chất lượng trước khi chính thức ghi tên. |
Bình luận (0)