Một nghiên cứu gần đây do Bjerke và Guhr (2012) thực hiện cho biết giờ đây, nhiều gia đình cứ nhất định muốn con mình phải vào học những trường ĐH có thứ hạng cao, thậm chí đứng đầu các bảng xếp hạng, nếu như con họ có đủ năng lực để được nhận vào.
Bảng xếp hạng ĐH được đề cao
Nhiều chính sách trong giáo dục ĐH của các nước cũng chịu ảnh hưởng từ các bảng xếp hạng. Quỹ học bổng nhà nước của Nga trong chương trình Giáo dục Toàn cầu - gồm 162 triệu USD, dành cho hàng ngàn người đi học ngoài nước - yêu cầu người thụ hưởng phải được nhận vào học tại những trường có xếp hạng hàng đầu. Hội đồng ĐH của chính phủ Ấn Độ mới đây ra quy định chỉ những trường có tên trong tốp 500 của 2 bảng xếp hạng ĐH toàn cầu mới được phép liên kết đào tạo với các đối tác nước này...
Tại Việt Nam, ĐHQG TP HCM có chủ trương chỉ cho phép các trường thành viên liên kết đào tạo với những trường được kiểm định, ưu tiên xem xét hồ sơ liên kết với những trường có tên trên các bảng xếp hạng ĐH toàn cầu. Năm 2013, Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra công tác quản lý nhà nước trong việc thực hiện các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài đã kết luận: Trong 94 trường đối tác nước ngoài, chỉ 5 trường là có thứ hạng cao, còn lại là những trường không được xếp hạng trong danh sách 12.000 trường của Webometrics. Điều này cũng nói lên rằng các cơ quan nhà nước có ý thức sử dụng các bảng xếp hạng như một bằng chứng về chất lượng hay đẳng cấp của các trường.
Khó kiểm chứng độ tin cậy
Tuy nhiên, bản tuyên bố gần đây của Liên đoàn Hiệu trưởng các trường ĐH châu Mỹ Latin về xếp hạng quốc tế đã lưu ý: “Phần lớn các nhà lãnh đạo và cả công chúng đều xem các kết quả xếp hạng này là thước đo khách quan, toàn diện về chất lượng của các trường. Song, thực tế là không bao giờ có một bảng xếp hạng nào có thể khách quan và toàn diện”.
Tuyên bố này là kết luận của một hội nghị 2 ngày với sự tham dự của hiệu trưởng và lãnh đạo cấp cao của 65 trường ĐH từ 14 quốc gia châu Mỹ Latin. Tuyên bố nhận định bảng xếp hạng là một hệ thống thứ bậc chứ không phải một hệ thống thông tin. Nó chứa đựng nhiều định kiến thiên lệch, không thích hợp cho việc đánh giá kết quả hoạt động của một trường và gây ra nhiều hiểu lầm, sai lạc.
Trước hết, những người sử dụng kết quả xếp hạng như một nguồn thông tin cần hiểu rõ về những hạn chế trong tiêu chí và phương pháp của từng bảng xếp hạng. Trước tiên là những hạn chế trong cách thu thập dữ liệu. Ngoài dữ liệu về công bố khoa học, những dữ liệu khác được dùng để xếp hạng chủ yếu là do các trường cung cấp và rất khó kiểm chứng mức độ tin cậy.
Cách đo lường thành tựu nghiên cứu khoa học hiện nay của tất cả bảng xếp hạng như đếm số giải Nobel, đếm số bài báo khoa học và số lượng trích dẫn... chỉ phản ánh một phần năng lực nghiên cứu khoa học của các trường, chưa nói đến những đóng góp của nhà trường đối với xã hội.
Xếp hạng ĐH tại Việt Nam như thế nào?
Bên cạnh việc tỉnh táo trước các kết quả xếp hạng, cũng cần nhìn nhận tác dụng tích cực của chúng. Hiển nhiên là các bảng xếp hạng có thể giúp tăng cường trách nhiệm giải trình của các trường, giúp họ có ý thức định vị mình trong tương quan toàn cầu. Từ đó, các trường xây dựng kế hoạch chiến lược cho việc cải thiện kết quả.
Trước đây, đã có một số thử nghiệm bước đầu về xây dựng bảng xếp hạng ĐH trong nước nhưng chưa được thực hiện một cách hệ thống do nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc thu thập dữ liệu.
Khuyến nghị của chúng tôi là các tổ chức xếp hạng Việt Nam cần thu thập dữ liệu về nhà trường một cách toàn diện hết mức có thể và tiến hành thực hiện nhiều bảng xếp hạng khác nhau. Điều này không giống với xếp hạng đa chiều. Xếp hạng đa chiều chỉ khác với lối xếp hạng truyền thống ở chỗ không tính hệ số và tổng điểm nhưng vẫn đo tất cả các loại trường với cùng một thước đo.
Cần nhấn mạnh rằng tiêu chí xếp hạng không thể đồng nhất với tiêu chí kiểm định chất lượng. Trường ĐH nghiên cứu cần được đo bằng số giải Nobel, bằng những tác giả được trích dẫn cao, bằng số bài báo khoa học, tỉ lệ trích dẫn, bằng sáng chế. Trong khi đó, những trường định hướng giảng dạy, ứng dụng thực hành thì cần được đo bằng giá trị của những hợp đồng chuyển giao công nghệ, sự tham gia và gắn kết của giảng viên với cộng đồng xã hội, mức độ gắn bó trong quan hệ với thế giới việc làm, mức độ phát triển trong môi trường học tập trải nghiệm, sự hài lòng của sinh viên, khả năng kiếm được việc làm, mức lương của sinh viên khi ra trường, ý kiến đánh giá của nhà tuyển dụng... Bằng cách đó, chúng ta mới có một bức tranh xác thực phản ánh được chất lượng hoạt động của một trường trên cơ sở đối chiếu với sứ mạng của nó.
Bên cạnh đó, thông tin cần được minh bạch, đặc biệt là phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu. Những tiêu chí dùng cho việc xếp hạng cũng cần được giải thích đầy đủ. Việt Nam cũng cần hướng tới việc kiểm định chất lượng của bảng xếp hạng bằng kiểm định quốc tế. Kết quả của kiểm định xếp hạng sẽ bảo đảm cho sự khả tín của các bảng xếp hạng.
Sử dụng như thông tin tham khảo
Người sử dụng các kết quả xếp hạng chỉ nên xem chúng như một thông tin tham khảo, nhất là trong bối cảnh mà áp lực xếp hạng đã dẫn tới những hành động chẳng lấy gì làm hay - người ta đã phải gọi là “chợ trời học thuật”, nơi chỉ cần bỏ tiền ra là sẽ có tên trên một bài báo khoa học. Vô số tạp chí dỏm ra đời để thỏa mãn nhu cầu “công bố hay là chết” của giới hàn lâm trên phạm vi toàn cầu. Bản thân người viết bài này mỗi ngày nhận được hàng chục bức thư điện tử mời chào gửi bài cho các tập san từ khắp nơi trên thế giới, mà đa phần là những tập san có chất lượng đáng ngờ.
Bình luận (0)