Ngày 15-6, nhiều địa phương đã công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Trong đó, nhiều tỉnh, thành tỉ lệ đỗ khá cao, có nơi rất cao.
“Đáng buồn!”
Ảnh: TẤN THẠNH
“Tôi nghĩ với đề thi như vậy, kết quả đỗ tốt nghiệp phải cao hơn năm ngoái nhưng hóa ra lại thấp hơn” - PGS Văn Như Cương nhận xét. Lý giải về tỉ lệ tốt nghiệp hệ THPT chỉ dừng lại ở 97,12%, PGS cho rằng có thể do các giám thị làm nghiêm hơn nên ít tiêu cực hơn; một nguyên nhân khác là năng lực, kết quả giảng dạy của thầy cô cũng như học sinh không cao, không có tiến bộ. “Với đề thi dễ như năm nay, tỉ lệ đỗ như vậy là điều thật đáng buồn” - PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.
Trong khi đó, tại buổi tổng kết chấm thi tốt nghiệp THPT vào chiều 15-6, ông Nguyễn Hoài Chương - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, Chủ tịch Hội đồng Chấm thi TP - cho biết tỉ lệ tốt nghiệp của toàn TP năm nay tăng nhẹ so với năm trước. Cụ thể: Tỉ lệ tốt nghiệp chung cả hệ THPT và bổ túc THPT là 97,19%. Trong đó, hệ phổ thông là 98,94% (tăng 0,76%), hệ giáo dục thường xuyên THPT là 85,91% (tăng 5%). “Tỉ lệ tốt nghiệp năm nay phù hợp với đề thi và tình hình dạy, học ở TP” - ông Chương nhận xét.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cho biết các tổ chấm bài tự luận (văn, địa lý, toán) đánh giá đề thi ở hệ THPT và giáo dục thường xuyên năm nay khá rõ ràng, phù hợp với tính chất của kỳ thi và nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Cùng với đó là hướng dẫn chấm và biểu điểm phù hợp nên thí sinh dễ có cơ hội đỗ tốt nghiệp. Tuy vậy, vẫn có một tỉ lệ nhỏ thí sinh rớt, trong đó gồm thí sinh bỏ thi, thi không đủ môn, vi phạm và cả những em thi đủ 6 môn nhưng vẫn không đủ điểm.
Môn văn: Không có quan điểm lệch lạc
Môn văn được chú ý nhất trong kỳ thi này vì có câu hỏi tự luận khá hay về tấm gương dũng cảm cứu người của em học sinh lớp 12 Nguyễn Văn Nam. ThS văn học Đặng Thị Huy Lam, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP HCM) tham gia chấm thi môn văn, cho biết ngay sau khi đề thi được công bố cũng như khi Bộ GD-ĐT công bố hướng dẫn chấm thi, dư luận đã có những quan điểm trái chiều. Đa phần ý kiến cho rằng cần cổ vũ hành động dũng cảm cứu người của Nam song cũng có những ý kiến so đo, tính toán trước tình huống hiểm nguy. Dù vậy, không thí sinh nào có quan điểm đả kích, tiêu cực... với hành vi này.
Một số giáo viên khác tham gia chấm thi khẳng định chất lượng bài thi môn văn đa số đạt trung bình trở lên. Những lo ngại về bài thi có quan điểm lệch lạc là không đáng kể. Thậm chí, theo một giáo viên, sự lệch lạc ở đây không phải “lệch lạc” theo suy nghĩ của người lớn mà chỉ là những suy nghĩ vụng về, non nớt và xuất phát từ sự thương tiếc bạn Nguyễn Văn Nam.
Hầu như không có thí sinh nào hiểu rằng đề bài kêu gọi nhảy xuống sông cứu người theo nghĩa đen. Các em đều biết đó là tấm gương dũng cảm, cao đẹp cần noi theo. Nhiều thí sinh biết phê phán lối sống vô cảm. Có em đặt ra những phương án giải cứu người bị nạn nhưng đều kết luận rằng nếu gặp hoàn cảnh tương tự thì sẽ hành động như Nam chứ không so đo tính toán. Đó là những suy nghĩ tích cực. “Với đề thi mở thế này, người chấm bài thấy học trò rất đáng yêu” - một giáo viên ở Hà Nội tâm sự.
Theo ông Nguyễn Hoài Chương, trong 58.683 bài thi môn văn của thí sinh ở TP HCM, cao nhất là 9,5 điểm, có thí sinh bị điểm 0 vì để giấy trắng.
Tỉ lệ tốt nghiệp của Hà Nội chỉ 97,12%
Tính đến cuối giờ chiều 15-6, Thanh Hóa và Đồng Tháp có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao nhất. Theo đó, Thanh Hóa: 99,42% (THPT) và 90,57% (bổ túc), Đồng Tháp: 99,76% (THPT) và 87,91% (bổ túc).
Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của TP Hà Nội là 97,12% (THPT) và 74,59% (bổ túc). Tỉnh Bắc Giang: Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp chung là 96,62% (so với năm 2012 giảm gần 3%). Tỉ lệ này ở tỉnh Điện Biên là trên 94%. Ở tỉnh Bắc Giang, tỉ lệ đỗ 96,62% (THPT, giảm gần 3%) và 87,81% (bổ túc, giảm hơn 10%). Ở tỉnh Bắc Kạn, tỉ lệ đỗ ở hệ THPT là 98,7% - giảm 1%, trong khi hệ bổ túc chỉ 65,6% (giảm đến gần 30%)...
L.Anh - V.Hy - Đ.Ngọc - K.Nam |
Bình luận (0)