Sở GD-ĐT TP HCM vừa có dự thảo báo cáo về công tác xây dựng trường học giai đoạn trung hạn 2021-2025 và tiến độ thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) trên địa bàn.
Báo cáo của Sở GD-ĐT TP HCM cho biết để thực hiện các chỉ tiêu và kế hoạch, đặc biệt là thực hiện Chương trình GDPT 2018, với quy mô của ngành GD-ĐT TP, đến năm 2025, TP HCM cần 56.512 phòng học, so với số phòng học đang có hiện nay (năm 2022) là 47.623. Như vậy, đến năm 2025, TP HCM cần bổ sung 8.889 phòng học ở tất cả các bậc học, từ mầm non đến THPT.
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, về tình hình thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học, tính đến ngày 30-10-2022, còn 12 quận, huyện chưa đạt chỉ tiêu.
Năm học 2021-2022, TP HCM có 343.894 học sinh không có hộ khẩu thành phố, chiếm tỉ lệ hơn 21%
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TP HCM, nhìn chung việc thực hiện chỉ tiêu "đến năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân số" hiện bảo đảm tiến độ song thực tế triển khai cho thấy một số vấn đề bất cập. Cụ thể, TP có 10/22 địa phương (45%) đã thực hiện đạt chỉ tiêu, còn 12/22 địa phương (55%) đang tiếp tục triển khai thực hiện. "Trong đó, một số quận, huyện kết quả đạt rất thấp, như quận 12 (đạt 228), Gò Vấp (205), Tân Phú (261), Bình Tân (282), huyện Củ Chi (266), Hóc Môn (211), Bình Chánh (258). Các địa phương chưa đạt chỉ tiêu tập trung ở các khu vực có áp lực gia tăng dân số cơ học mỗi năm luôn ở mức cao" - ông Lê Hoài Nam nhận xét.
Sở GD-ĐT TP HCM cũng chỉ rõ hiện nay, cơ sở tính chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân gồm tất cả phòng học trong các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT, GDTX, cả công lập và ngoài công lập. Do vậy, kết quả chỉ tiêu đạt được của một số quận, huyện còn ở mức thấp và cách tính nêu trên cho thấy việc đạt chỉ tiêu chung 300 phòng học/10.000 dân thiếu tính bền vững.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cho biết một trong những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư, xây dựng trường học tại TP là từ hệ quả của việc dân số tăng nhanh, áp lực chỗ học cho con em trên địa bàn dẫn đến quá trình triển khai các dự án gặp nhiều khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Số dự án giáo dục - đào tạo đăng ký đầu tư theo nhu cầu lớn, song khả năng cân đối ngân sách thành phố để đầu tư có hạn.
21,26% học sinh tại TP HCM không có hộ khẩu
Theo ông Lê Hoài Nam, giáo dục TP HCM thu hút ngày càng đông học sinh các tỉnh, thành. Số học sinh không có hộ khẩu thành phố trong năm học 2021-2022 là 343.894, chiếm 21,26%. Mặc dù còn nhiều khó khăn do tốc độ tăng dân số cơ học cao nhưng TP HCM vẫn cố gắng đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ, không phân biệt diện cư trú.
Bình luận (0)