Bà Lâm Hồng Lãm Thúy - Trưởng Phòng Tiểu học, Sở GD-ĐT TP HCM - cho biết như trên tại hội nghị giao ban khối tiểu học, THCS trực thuộc phòng GD-ĐT, ngày 4-10.
Nhấn mạnh đến nhiều vấn đề liên quan về chuyên môn, bà Thúy cho biết thêm, trong cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục tăng cường trong giáo dục tiểu học, khi đã thực hiện đủ định mức tiết dạy của giáo viên hiện có, nhà trường có trách nhiệm thực hiện khảo sát, tổng hợp nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện để tổ chức các hoạt động giáo dục theo nhu cầu người học và theo các quy định của cơ quan chức năng địa phương như học tiếng Anh với người nước ngoài, tăng cường giáo dục nghệ thuật, các câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm STEM...
TP HCM yêu cầu các trường cần xếp làm sao học sinh vừa sức với tiếp thu, phù hợp với năng lực, lứa tuổi tâm sinh lý để các em không bị quá tải
Từ kết quả khảo sát, hiệu trưởng tổ chức xây dựng kế hoạch thời gian thực hiện phù hợp với kế hoạch thời gian thực hiện chương trình các môn học, hoạt động giáo dục và điều kiện cụ thể của nhà trường. Thời khóa biểu cho các hoạt động này cần được sắp xếp một cách khoa học, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng học sinh, hợp lí về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi học sinh tiểu học.
"Không được gây quá tải, không được ép học sinh tham gia, không được chèn lịch các hoạt động giáo dục tự nguyện vào giờ học chính khóa nếu trong lớp học có những học sinh không có nhu cầu đăng kí tham gia, cần sắp xếp linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng trường, số lượng đăng kí của học sinh từng lớp để tạo điều kiện thuận lợi cho người học, nhưng phải bảo đảm không ảnh hưởng đến các học sinh khác"- bà Thúy nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP, cho biết việc xếp các lớp trên tinh thần tự nguyện là mấu chốt của vấn đề mà hiện nhiều trường đang vướng. Trong các văn bản chỉ đạo hướng dẫn đầu năm, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các khoản thu dịch vụ phải được sự đồng thuận của phụ huynh. Sắp xếp lớp theo nguyện vọng của phụ huynh học sinh. Trường nào chưa chỉ đạo chặt chẽ hoặc phụ huynh chưa có sự đồng thuận thì phải cân nhắc, trao đổi với phụ huynh để có sự đồng thuận.
"Trong hướng dẫn của Bộ GD-ĐT thì khi giáo viên đã dạy hết giờ nghĩa vụ là 23 tiết/tuần mà còn dư giờ theo giờ chính khoá (35 tiết/tuần) thì trường chủ động thực hiện chương trình đề án của thành phố, chương trình liên kết trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh"- ông Hiếu nói thêm.
Trong khái niệm dạy học 2 buổi/ngày thì không có khái niệm buổi nào là buổi chính mà việc xếp thời khoá biểu cần đảm bảo khoa học, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng đối tượng học sinh, cần đan xen các tiết học để đảm bảo hài hoà với năng lực tiếp thu của học sinh. Xếp thời khoá biểu là một nghệ thuật, cần xếp làm sao học sinh vừa sức với tiếp thu, phù hợp với năng lực, lứa tuổi tâm sinh lý để các em không bị quá tải.
Bình luận (0)