Chị T., một phụ huynh Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (quận Bình Thạnh), cho biết đầu năm học, nhà trường thông báo không nhận thanh toán chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của nhà trường. Thay vào đó, trường thực hiện thu các khoản thông qua kênh thanh toán học phí JETPAY.
Thông báo thu phí qua app và phụ huynh phải gánh thêm phí thanh toán. (Ảnh phụ huynh cung cấp)
Phí chồng phí
Chị T. cho biết thay vì đơn giản hóa việc thanh toán cho phụ huynh, kênh thanh toán học phí yêu cầu phụ huynh cài đặt phần mềm, sau đó thực hiện thanh toán thông qua một trong các hình thức theo hướng dẫn. Trong khi đó, nếu phụ huynh thanh toán bằng tiền mặt thì phải đến một trong 3 ngân hàng nhưng vẫn phải chuyển khoản vào tài khoản JETPAY thông qua mã học sinh.
Điều đáng nói, khi thanh toán qua kênh thanh toán này, chỉ với 730.400 đồng tiền bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm y tế, thì tùy từng kênh thanh toán, phụ huynh vẫn mất phí dịch vụ khá lớn. "Qua ZaloPay thì phí mất 7.304 đồng, qua app của ngân hàng thì mất hơn 4.000 đồng. Không biết với số tiền lớn hơn, phí dịch vụ sẽ cao hơn hay phí tính theo mỗi lần giao dịch" - chị T. cho biết.
Thông báo thu phí qua app và phụ huynh phải gánh thêm phí thanh toán. (Ảnh phụ huynh cung cấp)
Phụ huynh này cho biết thêm, năm học trước nhà trường thực hiện cho chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của nhà trường, mỗi khi đóng học phí và các khoản thu khác chỉ cần một động tác chuyển khoản là xong, không hiểu sao năm nay lại yêu cầu phụ huynh cài app. "Việc cài app không phải phụ huynh nào cũng dễ dàng thực hiện. Dẫn chứng là gia đình tôi đều là những người trẻ nhưng khi đọc hướng dẫn cũng rất rối, thử so các hình thức thanh toán xem bên nào tính phí rẻ hơn nhưng rối quá không thể thực hiện được" - chị T. nói.
Không riêng gì chị T., nhiều phụ huynh tại TP HCM cũng "chóng mặt" vì các app thu học phí và các khoản ở trường học. Anh K., một phụ huynh tại Trường Nam Sài Gòn (quận 7), cho hay trước đây vào trường đóng học phí chỉ mất khoảng 5-10 phút nhưng lại không phát sinh thêm khoản phí nào. Giờ đóng qua app, ví điện tử, cửa hàng thu hộ hoặc app của ngân hàng đều bị thu phí dịch vụ là 5.000 đến 11.000 đồng/giao dịch. Tôi có 2 con việc đóng học phí 1 tháng phát sinh thêm hơn 20.000 đồng rất vô lý. "Năm học trước, nhà trường thông báo thu phí qua App SISAP, nhưng không rõ năm học này có thay đổi cho phụ huynh hay vẫn yêu cầu đóng qua 1 kênh duy nhất" - anh K. nói.
Oằn mình vì phí "tùy nhu cầu"
Nghị quyết 04 vừa được HĐND TP HCM thông qua quy định 26 danh mục các khoản thu dịch vụ trong nhà trường, các khoản này được quy định ở mức thu tối đa, được xem như biện pháp mạnh trị "lạm thu" ở các trường học. Tuy vậy, nhiều phụ huynh tại TP HCM cho biết hiện nay, hầu như các trường không yêu cầu phụ huynh phải đóng khoản này, khoản kia bởi đa số các trường đều là "tùy nhu cầu".
"Thu theo nhu cầu, nhưng hầu như phụ huynh không thể không đăng ký bởi lẽ nếu không con chỉ còn cách ngồi một chỗ tại lớp học" - chị Y., một phụ huynh có con 4 tuổi cho biết. Theo chị Y., trường vừa thông báo các khoản thu đầu năm, trong đó rất nhiều các loại phí từ phí chụp hình thẻ, thẻ đưa đón, bảo hiểm, tẩy giun, ứng dụng liên lạc điện tử, phí phục vụ bán trú... Bên cạnh là các khoản "tùy nhu cầu" như: kỹ năng sống, vẽ, đàn, nhịp điệu, tiếng Anh... Riêng năm nay, lại có thêm môn STEM. Chỉ tính riêng các khoản tiền năng khiếu cho bé, mỗi phụ huynh đã phải đóng từ 1,4 triệu đồng/tháng trở lên. Chưa tính các khoản tiền cố định như tiền ăn, tiền nhân viên nuôi dưỡng, tiền máy lạnh, nước uống, phục vụ bán trú, vệ sinh phí... vào khoảng 2,2 triệu đồng/tháng. "Điều phụ huynh quan tâm là những môn năng khiếu này, cái nào thực sự cần thiết cho trẻ?" - chị Y. bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết HĐND thành phố thông qua nghị quyết 04, hiệu trưởng các trường phải nắm và nghiên cứu kỹ để thực hiện sao cho đúng. "Thành phố quy định mức khung tối đa nhưng không phải trường nào cũng đẩy lên mức tối đa mà cần xây dựng kế hoạch chuyên môn, chương trình giáo dục nhà trường, có kế hoạch sử dụng chi tiết, tính toán chi phí hợp lý vì mục tiêu vì học sinh, đáp ứng nhu cầu, năng lực của học sinh. Trường nào làm không đúng nghị quyết 04 sẽ bị tuýt còi và xử lý" - ông Hiếu nhấn mạnh.
Không được tạo độc quyền
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cho biết sở đã yêu cầu 100% cơ sở giáo dục tạo điều kiện để phụ huynh không cần phải đến trường để thanh toán học phí và các khoản thu khác. Đồng thời, triển khai việc thu học phí và các khoản thu khác bằng phương thức không dùng tiền mặt với nhiều hình thức, nhưng không được tạo độc quyền. Việc kết nối giữa hệ thống thanh toán của cơ sở giáo dục với các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán cần phải hướng đến mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người thực hiện thanh toán, theo hướng có quyền được lựa chọn nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán, được lựa chọn phương thức thanh toán.
"Sở cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục phải thỏa thuận thống nhất với các ngân hàng, các đơn vị trung gian thanh toán trước khi tổ chức thực hiện, đồng thời thông báo công khai về mức phí sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt... để tất cả phụ huynh, người học được lựa chọn theo nhu cầu" - vị này cho biết.
Mức thu tối đa ăn trưa là 35.000 đồng
Thời điểm này, theo tìm hiểu của phóng viên, do đang chờ hướng dẫn về thu học phí nhiều cơ sở giáo dục chưa tổ chức họp phụ huynh, thêm các khoản thu như tiền bán trú và một số khoản thu dịch vụ khác còn đang chờ tính toán. Phó hiệu trưởng một trường THCS tại TP Thủ Đức cho biết trước đây, trường thu 40.000 đồng tiền ăn trưa bao gồm bữa trưa và một phần ăn xế nhẹ. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 04, mức thu tối đa là 35.000 đồng nên nhà trường sẽ cân nhắc cắt phần ăn xế và thông báo cho phụ huynh được biết.
Bình luận (0)