Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM tổ chức ngày 21-8, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP HCM cho biết, tại phiên họp nội bộ ngày 16-8-2017, các đại biểu tham dự đã thống nhất nhiều nội dung trong báo cáo tổng kết của ngành GD-ĐT TP. Trong đó, có những nội dung và phương hướng trọng tâm như học sinh được học tập và hoạt động cả ngày trong nhà trường. Được giảng dạy và học tập bằng những phương pháp tiên tiến, hiện đại của thế giới, chú trọng phát triển tư duy khoa học, sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu…
Ông Hoàng cũng cho biết, trong phiên họp nội bộ trên, các đại biểu cũng thống nhất các ý kiến đề xuất và kiến nghị lên Chính phủ và Bộ GD-ĐT, trong đó đặc biệt nhấn mạnh kiến nghị với Chính phủ chấp thuận cho TP HCM được thực hiện cơ chế đặc thù trong các luật về giáo dục và đào tạo.
Cụ thể, đối với Chính phủ: Chấp thuận cho thành phố thực hiện cơ chế đặc thù trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thành phố được phép thực hiện chương trình giáo dục phù hợp với thực tiễn của địa phương nhưng vẫn tuân thủ chương trình khung của Bộ GD-ĐT.
TP HCM xin cơ chế đặc thù về giáo dục và đào tạo
- Ban hành Nghị định cho các cán bộ, chuyên viên công tác tại các Phòng GD-ĐT quận, huyện, Sở GD-ĐT tỉnh thành, Bộ GD-ĐT được hưởng phụ cấp thâm niên của ngành GD-ĐT (vì đây là những phần tử ưu tú nhất của ngành giáo dục - đào tạo mới được điều động về công tác tại đây).
- Ban hành chính sách sử dụng lao động qua đào tạo hợp lý, cụ thể hóa chủ trương phân luồng cho đào tạo nghề nghiệp. Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho giáo viên và khuyến khích đối với sinh viên trung cấp chuyên nghiệp.
- Xem xét, điều chỉnh Nghị định 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 về quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục theo hướng phân cấp, phân công trách nhiệm rõ ràng hơn giữa UBND tỉnh, Bộ GD-ĐT và Bộ, Ngành chủ quản của các trường đại học nhằm giúp cho UBND tỉnh có điều kiện thực hiện nhiệm vụ được phân cấp dễ dàng hơn, tránh chồng chéo và không rõ ràng.
- Cho phép Thành phố thực hiện thí điểm các dự án xây dựng trường học ở các quận nội thành không còn quỹ đất được nâng tầng cao phù hợp thực tế từng địa bàn, tính chất từng dự án một, giải quyết tình trạng thiếu phòng học ở các khu dân cư đông đúc, tập trung và tránh lãng phí kinh phí đầu tư xây dựng mặt bằng chiếm đất xây dựng.
Đối với Bộ GD-ĐT: Ban hành định mức chi phí tối thiểu cho một đầu học sinh, sinh viên ở các cấp học, ngành học, ngành nghề đào tạo để làm cơ sở cho việc ban hành định mức chi đối với từng cấp, bậc học và ngành nghề đào tạo.
- Xem xét lại nội dung Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 3 năm 2015 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, chưa hợp lý (4 chức danh 2 vị trí, số lượng trẻ trên giáo viên ở nhóm nhỏ, bảo vệ…).
- Xem xét lại nội dung Thông tư liên tịch số 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Sở GD-ĐT, bổ sung cơ chế đặc thù cho TP HCM, cụ thể như: tăng số lượng phòng, ban thuộc cơ quan Sở là 12 phòng và số lượng Phó Giám đốc phụ trách là 05, do đặc thù TP đông dân, đa dạng hình thức giáo dục, đặc biệt là nơi tập trung một số lượng lớn các đơn vị giáo dục quốc tế, các đơn vị có yếu tố nước ngoài…
- Sửa đổi các Thông tư liên tịch số 20, 21 và 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học công lập và giáo viên trung học cơ sở công lập chưa hợp lý (lương khởi điểm của giáo viên có trình độ Trung cấp, Cao đẳng hay Đại học đều như nhau và có hệ số 1,86).
- Công tác tư vấn tâm lý trong trường học là một hoạt động rất cần thiết, vì vậy đề xuất Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Nội vụ trình Thủ tướng ban hành chức danh, mã ngạch giáo viên tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục...
TP HCM kiến nghị hiệu trưởng các trường được tự quyết nhân sự, giáo viên
Đối với Thành phố : Tiếp tục ưu tiên bố trí vốn nâng cấp, mở rộng và duy tu các phòng học, đảm bảo đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 người dân thành phố trong độ tuổi đi học.
Đặc biệt, giao quyền cho một số trường đủ điều kiện được tự xây dựng mức thu đảm bảo thu đủ bù chi, không lợi nhuận. Tuy nhiên, phải thực hiện đầy đủ các công tác báo cáo, kiểm tra, công khai theo qui định của nhà nước trong lĩnh vực tài chính, tài sản. Hiệu trưởng có quyền chủ động trong công tác nhân sự, tự quyết định số giáo viên hàng năm sát với thực tế và điều kiện đặc thù của đơn vị, đảm bảo hoạt động hiệu quả.
Bình luận (0)