Hàng loạt đề xuất, kiến nghị của ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) TP HCM đã được nêu ra nhằm giải quyết vấn đề nan giải là thiếu phòng học. Một trong các đề xuất là quy hoạch, dồn ghép các điểm trường nhỏ lẻ, không đáp ứng quy mô giảng dạy.
7 quận, huyện có chỉ tiêu phòng học rất thấp
Để đáp ứng yêu cầu và quy mô phát triển của ngành GD-ĐT, đến năm 2025 TP HCM cần 56.512 phòng học, so với số phòng học đang có hiện nay là 47.623.
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, tính đến cuối tháng 10-2022, 12 quận, huyện chưa thực hiện được chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học.
Trường THCS Lạc Hồng (quận 10, TP HCM) hiện có 2 cơ sở, chưa sử dụng hết công năng
Sở GD-ĐT TP HCM đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân vẫn bảo đảm tiến độ song thực tế triển khai cho thấy một số vấn đề bất cập. TP HCM có 10/22 địa phương (45%) đã thực hiện đạt chỉ tiêu, 12 địa phương còn lại (55%) đang tiếp tục triển khai thực hiện.
"Tại một số quận, huyện, số phòng học/10.000 dân rất thấp, như quận 12 (228), Gò Vấp (205), Tân Phú (261), Bình Tân (282), Củ Chi (266), Hóc Môn (211), Bình Chánh (258). Các địa phương chưa đạt chỉ tiêu tập trung ở những khu vực có áp lực gia tăng dân số cơ học mỗi năm luôn ở mức cao" - ông Lê Hoài Nam giải thích.
Sở GD-ĐT TP HCM cho biết hiện nay, chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân bao gồm tất cả phòng học trong các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT, GDTX, cả công lập và ngoài công lập. Do vậy, kết quả đạt được của một số quận, huyện còn ở mức thấp và cách tính nêu trên cho thấy việc đạt chỉ tiêu chung 300 phòng học/10.000 dân thiếu tính bền vững.
Theo ông Lê Hoài Nam, một trong những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư, xây dựng trường học tại TP HCM là từ hệ quả của việc dân số tăng nhanh, áp lực chỗ học cho con em trên địa bàn. Quá trình triển khai các dự án gặp nhiều khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Số dự án GD-ĐT đăng ký đầu tư theo nhu cầu lớn song khả năng cân đối ngân sách để đầu tư có hạn.
Rà soát lại các điểm trường nhỏ lẻ
Một trong những đề xuất đáng chú ý của Sở GD-ĐT TP HCM nhằm giải quyết bài toán thiếu phòng học là tiến hành rà soát, xây dựng lộ trình sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, theo hướng dồn ghép, xóa điểm trường nhỏ, lẻ không đủ điều kiện cơ sở vật chất để bảo đảm chất lượng dạy học.
Thực tế tại TP HCM, nhiều quận, huyện tồn tại tình trạng một trường học nhưng có nhiều cơ sở. Có cơ sở sử dụng hết công năng và ngược lại, nơi lại thừa phòng học. Tại quận 10, ông Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng, cho biết cùng trên địa bàn phường 12 có 2 trường là Trường THCS Lạc Hồng và THCS Cách Mạng Tháng Tám.
Trong đó, Trường THCS Lạc Hồng có 2 cơ sở. Cơ sở phụ có diện tích khá ổn nhưng lại không sử dụng hết công năng, mà nếu không có nơi này thì không đủ phòng học cho học sinh. Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám thì hiện quá ít học sinh. Nếu theo phương án dồn ghép, sáp nhập thì có thể thanh lý cơ sở phụ của Trường THCS Lạc Hồng để có nguồn tài chính xây thêm phòng học ở cơ sở chính; hoặc dồn 2 trường THCS trên địa bàn phường 12 thành một trường, còn cơ sở phụ có thể bán để dồn tài chính xây dựng một ngôi trường chính khang trang, hiện đại.
"Đặc điểm ở TP HCM là các điểm trường ở cự ly gần. Các điểm trường trong cự ly gần thì nên sáp nhập lại thành một" - ông Phát nhìn nhận.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, cho biết tùy đặc điểm tình hình từng khu vực, phương án dồn ghép các điểm trường mới có thể khả thi. Theo ông Nguyên, nếu dồn ghép các điểm trường thì chỉ thực hiện được ở những cơ sở trong bán kính gần. Ở bậc mầm non, một số cơ sở phụ không có điều kiện như cơ sở chính. Vì vậy, ở bậc học này nếu dồn ghép các cơ sở sẽ ổn và cần thiết hơn.
Xây trường theo phương án liên phường
Theo ông Lê Hoài Nam, đối với các quận, huyện có tốc độ tăng dân số cơ học nhanh hoặc đang trong quá trình đô thị hóa cao, khó khăn về cơ sở vật chất, sĩ số học sinh cao, tỉ lệ học 2 buổi/ngày thấp, cần kiểm soát chặt chẽ tình hình nhập cư, tránh làm phá vỡ các đồ án quy hoạch đã phê duyệt. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trường học đã được phê duyệt, đề xuất đầu tư phát triển theo phương án liên phường, bố trí theo địa bàn khu vực.
Bình luận (0)