Cụ thể, một trong những mục tiêu lớn thành phố tập trung thực hiện là hoàn thiện dữ liệu chung toàn ngành, trong đó có dữ liệu về học sinh (HS) các cấp, chất lượng giáo dục; dữ liệu về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; dữ liệu về cơ sở vật chất trường học; dữ liệu về các kỳ thi, tuyển sinh đầu cấp; dữ liệu về sức khỏe y tế và phát triển kỹ năng của HS... Đặc biệt, trong năm học 2023 - 2024, Sở GD-ĐT sẽ xây dựng học bạ số để tạo thuận tiện cho HS khi sử dụng, có giá trị pháp lý dùng chung ở tất cả đơn vị trường học.
Riêng đối với môn giáo dục địa phương, một trong những môn học mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành GD-ĐT sẽ thực hiện số hóa tài liệu giáo dục địa phương ở khối lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 và đưa lên các nền tảng dạy học trực tuyến. Những khối lớp còn lại sẽ thực hiện cuốn chiếu theo chương trình trong những năm tiếp theo.
Cũng tại hội nghị, trước ý kiến của hiệu trưởng một số trường THPT về tình trạng HS xin chuyển trường, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết theo quy định của Bộ GD-ĐT, HS chuyển trường phải thuộc một trong hai trường hợp sau đây: HS chuyển nơi cư trú theo cha hoặc mẹ; HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về gia đình hoặc HS có lý do thực sự chính đáng để chuyển trường.
Trong đó, hiệu trưởng nhà trường nơi HS chuyển đi và hiệu trưởng nhà trường nơi HS chuyển đến đều đồng thuận. Vì vậy, hai hiệu trưởng phải trao đổi với nhau xem việc chuyển trường có phù hợp hay không rồi mới quyết định. Việc cho HS chuyển trường nên giải quyết trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của HS và chia sẻ khó khăn với phụ huynh nhưng tránh trường hợp gây áp lực cho nhà trường. Nhất là việc xin chuyển từ trường này sang trường kia trong khi hai trường nằm gần nhau là không hợp lý.
Bình luận (0)