Hai tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình vừa ra mắt kiểu chữ viết mới, đặt tên "Chữ VN song song 4.0" và được cấp bản quyền từ Cục Bản quyền tác giả.
"Chữ VN song song 4.0" là chữ không dấu, có thể sử dụng ở bất kỳ điện thoại hay máy tính nào mà không cần bộ gõ tiếng Việt. Chỉ sử dụng 26 chữ cái Latin, trong đó dùng 18 chữ cái Latin để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ Quốc ngữ.
GS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, cho biết tác giả từng đề nghị Viện Ngôn ngữ học thẩm định nhưng viện từ chối vì viện nhận được rất nhiều đề nghị như thế. Các nhà nghiên cứu ai thích cải cách thì cứ việc nghiên cứu, thêm cái này bớt cái kia và nêu đề nghị cải cách nhưng chỉ thảo luận trong nhóm nhỏ học thuật, như một thú vui. Bởi lẽ các dự án cải cách chữ Quốc ngữ hiện nay đều không có cơ sở thực tiễn và cơ sở xã hội.
Bài thơ “Mưa Xuân” của Nguyễn Bính được viết lại bằng chữ “VN song song 4.0”
Theo nghiên cứu của GS-TS Nguyễn Văn Hiệp và các đồng nghiệp, chữ Quốc ngữ là một hệ thống ký hiệu ghi âm tiện lợi. Bộ chữ viết và hệ thống chính tả Quốc ngữ với từ điển de Béhaine- Taberd về cơ bản đã định hình và được sử dụng hiệu quả.
Chữ Quốc ngữ là loại chữ ghi âm tương đối khoa học. Dĩ nhiên, nó vẫn có nhiều điểm không hoàn hảo như tất cả bộ chữ ghi âm khác. Nhưng rất nhiều điều kiện đã hội tụ lại để có một bộ chữ viết và chính tả Quốc ngữ tiếng Việt định hình hoàn chỉnh vào cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX. Từ giai đoạn này trở đi, sẽ chỉ còn một số rất ít thay đổi, điều chỉnh mang tính chi tiết cục bộ. Trên cơ sở hệ thống chữ Quốc ngữ đã định hình và được chấp nhận vấn đề có liên quan đến chữ Quốc ngữ nên được tiếp tục thảo luận hiện là chuẩn chính tả đối với những trường hợp có sự tranh chấp diễn đạt, như i/y, vấn đề viết hoa, vấn đề phiên âm, vấn đề vị trí dấu thanh.
"Tất cả những gì mọi người hình dung là có thể cải cách đối với chữ Quốc ngữ thì những người đi trước, Tây có ta có, đã bàn nát nước rồi. Đã có rất nhiều ủy ban, hội nghị hăm hở nêu ra các đề xuất cải cách rồi, mà đến nay chẳng có cải cách nào được thực hiện cả. Chữ Quốc ngữ vẫn giữ căn bản diện mạo như trong từ điển Taberd. Vậy thì từ nay xin đừng bàn đến cải cách chữ Quốc ngữ nữa, có chăng thì chỉ có thể bàn về chuẩn chính tả, một việc rất cần thiết trong thời 4.0" - GS Hiệp nhấn mạnh.
PGS-TS Đinh Văn Đức, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG Hà Nội, vẫn giữ nguyên lập luận khi nhắc đến vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ. Ông cho rằng đụng đến chữ Quốc ngữ là đụng đến văn hóa Việt, không nên tùy tiện hô hào cải cách, xáo trộn chữ Quốc ngữ. Không nên can thiệp để sửa chữ Quốc ngữ lúc này, riêng chuẩn chính tả thì cần bàn thêm.
"Mỗi cá nhân đều có quyền nghiên cứu những vấn đề mà họ thích và công bố chúng. Nhưng công bố một đề tài liên quan đến văn hóa Việt như cải cách chữ Quốc ngữ mà đề tài đó không thể xem như một công trình nghiên cứu như vậy thể hiện kiến thức, tri thức hạn hẹp, chưa hiểu biết sâu rộng của tác giả" - PGS-TS Nguyễn Công Đức (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM) nhận xét.
Quy tắc "Chữ VN song song 4.0"
Trong Bộ chữ cải tiến, dấu sắc được bỏ bớt ở mọi từ có chữ cái cuối là: C, P, T, CH; chữ I thay cho Y, Y thay cho UY. Ở phụ âm đầu, chữ F thay PH, Q thay QU, C thay K, K thay KH, Z thay D, D thay Đ, J thay GI, G thay GH, W thay NG, NGH. Ở phụ âm cuối, thì G thay NG, H thay NH, K thay CH. Nguyên âm ghép được rút gọn thành một nguyên âm như UYE còn là Y, UÔ còn U, ƯƠ còn Ư, OE còn E, OA còn O...
Thay chữ cái cuối bằng chữ cái khác như T bằng D, P bằng F, C bằng S, N bằng L... Như vậy, ráp 10 nguyên âm rút gọn vào 8 chữ cái cuối khác, ghi gọn được 52 vần trên mỗi vần chỉ còn 2 chữ cái, như UYÊT, UYÊN = YD, YL. Ví dụ thuyết chuyện = thyd chỵl. Tuy cách viết khác với vần quốc ngữ nhưng cách đọc vẫn như nhau.
Bình luận (0)