Ngày 28-5, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động, giảng dạy của giảng viên với sự tham gia của đại diện các trường ĐH, CĐ trên cả nước. Bộ GD-ĐT cho rằng việc đánh giá này đã tạo nên những tác động tích cực trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy.
Giảng viên phản ứng, sinh viên chưa quan tâm
Tuy nhiên, lãnh đạo các trường cũng khẳng định khó nhưng không thể không làm. TS Nguyễn Công Khanh ví von các giảng viên có là đầu bếp giỏi đến mấy mà nấu một món thì SV cũng chê, vì thế phải thay đổi theo khẩu vị với khách hàng. Người học có quyền được phản hồi về các giờ dạy của giảng viên. Ông Quang cho hay sau những khó khăn ban đầu, phản ứng của các thầy cũng rất tích cực. “Thầy được khen rất xúc động, thầy không được khen cũng không nói gì. Vấn đề là phải xử lý thế nào để các thầy tâm phục khẩu phục” - ông Quang chia sẻ.
Tiêu chí chưa khoa học
Trước khi hội thảo diễn ra, Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến về một bản dự thảo đánh giá với 7 tiêu chí. Tuy nhiên tại hội thảo này, Cục Nhà giáo đã bất ngờ đưa ra bản dự thảo mới hơn với 10 tiêu chí, gồm: chuẩn bị các điều kiện và phương tiện dạy học; thực hiện kế hoạch dạy học; vận dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; sử dụng phương tiện, thiết bị dạy học; xây dựng môi trường dạy học; đánh giá kết quả học tập của người học; giáo dục qua hoạt động dạy học; giáo dục qua các hoạt động giáo dục khác; hỗ trợ hướng dẫn nghề nghiệp, việc làm cho người học và đánh giá kết quả rèn luyện của người học.
Dù không có nhiều thời gian để nhận xét góp ý nhưng bộ tiêu chí mới này bị nhiều đại biểu thẳng thắn nhận xét là không khoa học bằng bản tiêu chí trước đây. PGS Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh, cho rằng đánh giá giảng viên phải tập trung vào trách nhiệm và lòng tự trọng của nhà giáo. Phải bám vào đó để xây dựng một bộ tiêu chí khoa học, trong khi đó bộ tiêu chí mà Bộ GD-ĐT đưa ra rất lẫn lộn. Giáo viên làm thay cả việc của nhà trường. Cùng quan điểm này, PGS Phạm Hồng Quang cho rằng việc đánh giá hướng tới người thầy thì phải tập trung vào cá nhân các thầy chứ không phải những điều kiện khác, ví dụ như “chuẩn bị các điều kiện và phương tiện dạy học”, đó là việc của bộ phận hành chính. Cũng theo ông Quang, phải coi trọng và đánh giá cao sự tiến bộ của người học vì điều này có công rất lớn của giảng viên, trong khi bộ tiêu chí mà bộ đưa ra lại không nói tới điều này.
PGS Phạm Hồng Quang cho rằng việc đánh giá giảng viên phải gắn với nhiều kênh, trong đó có cả việc phỏng vấn trực tiếp SV. Ông Quang cho biết hằng năm trường đều phỏng vấn khoảng 100 SV về những tích cực, tiêu cực của các thầy, SV đã có những nhận xét rất thẳng thắn. “Tuyệt đại đa số thông tin SV cung cấp là chính xác” - ông Quang cho hay.
Đa số lãnh đạo các trường thống nhất quan điểm Bộ GD-ĐT nên có một bảng tiêu chí chung để các trường áp dụng theo đặc thù riêng của mình. Ông Nguyễn Công Khanh nhấn mạnh ở nước ngoài không có trường nào có phiếu đánh giá giống nhau, vì thế Bộ GD-ĐT nên có 5-7 tiêu chí chung để các trường áp dụng tùy thuộc vào điều kiện của mình. Bộ phiếu của bộ có thể là gợi ý tốt để các trường xây dựng những bộ phiếu con. Phiếu cũng không nên dài như dự thảo mà Bộ GD-ĐT đưa ra, chỉ cần 20-30 câu là đủ thu thập thông tin chính xác phản hồi cho giáo viên. Ông Nguyễn Hải Thập, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo - trên cương vị điều hành hội thảo, thừa nhận đây là một đề xuất hay, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu.
Phải làm thường xuyên Để đánh giá giảng viên trở thành một hoạt động thường xuyên, đại diện Trường ĐH Khoa học Huế nhấn mạnh phải có quy định bắt buộc SV đánh giá giảng viên một lần/năm. “Phải trích một phần từ quỹ học phí để có kinh phí triển khai việc này hằng năm”, vị này nói. Ông Nguyễn Tiến Dũng cũng cho rằng phải có chế tài nào đó để hoạt động này trở thành thường xuyên. Theo ông Nguyễn Công Khanh, các trường phải giao nhiệm vụ này cho các trung tâm khảo thí với kinh phí 200 - 250 triệu đồng/năm. |
Bình luận (0)