Mỗi khi bước vào lớp, thầy cô giáo thường kiểm tra học sinh về việc chuẩn bị bài học mà ít khi để ý xem học sinh mong muốn gì ở thầy cô? Trạng thái tâm lý của các em đang như thế nào? Chúng tôi vừa làm một cuộc khảo sát với học sinh THPT tại một số trường ở
TP HCM gồm Lê Hồng Phong, Marie Curie, Nguyễn Thượng Hiền, Bùi Thị Xuân và thật bất ngờ trước những điều các em bày tỏ.
Khó tính nhưng đừng cáu gắt
Với câu hỏi “Những yếu tố nào làm cho em yêu thích một môn học nào đó?”, hầu hết học sinh đưa ra những lý do: năng lực học tập đối với môn học, truyền thống gia đình, ý thức và mục đích học tập, ảnh hưởng từ bạn bè, tính chất bộ môn và tính cách của thầy cô. Đặc biệt, nhiều em thổ lộ tính cách của thầy cô là yếu tố quyết định nhiều nhất. Các em đều có chung kết luận thầy cô giáo là nguồn cảm hứng quyết định. Em N.B.T, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, mong muốn: “Thầy cô phải là người hiểu tâm lý học sinh. Trình bày bài giảng một cách ngắn gọn, súc tích để bài học dễ đi sâu vào trí nhớ, không tốn nhiều thời gian, công sức nhưng vẫn hiệu quả”.
Giữa một cô giáo trẻ vui tính và cô giáo lớn tuổi dạy hay nhưng khó tính em sẽ lựa chọn thế nào? Với câu hỏi này, đa số học sinh thiên về cô giáo trẻ vui tính. Một số em đưa ra lựa chọn rất khôn ngoan: “Em sẽ lựa chọn theo từng giai đoạn, nếu là lớp 10 và lớp 11, em chọn cô giáo trẻ vui tính để có tâm lý thoải mái. Còn lớp 12, em sẽ chọn cô giáo lớn tuổi dạy hay vì kinh nghiệm và sự khắt khe của cô giúp em học tập tốt hơn để đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp và ĐH” - N.N.H, Trường THPT Marie Curie, chia sẻ. Một số em chấp nhận thầy cô giáo khó tính “nhưng đừng cáu gắt, tạo không khí nặng nề làm cho học sinh sợ đến mức chán môn học” như mong muốn của V.M.T, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. 100% các em đều có chung mong mỏi: “Nếu thầy cô vừa dạy hay vừa vui tính thì tốt quá”.
Thầy cô cho điểm dễ, đó có phải là yếu tố làm em yêu thích bộ môn? Với câu hỏi này, đa số đều cho rằng thầy cô cho điểm dễ là yếu tố quan trọng khiến các em yêu mến thầy cô và là tiêu chí chọn môn học của học sinh. Nhưng cũng có một số em đưa ra ý kiến ngược lại. Em N.T.A, lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nêu ý kiến sâu sắc đến bất ngờ: “Học không phải vì điểm số nhưng thực tế không một học sinh nào còn đam mê lớn vào bộ môn khi nhiều lần bị điểm thấp và khi thầy cô cho điểm quá khó. Dẫu sao chúng em cũng phải chịu áp lực điểm số từ phía gia đình nhưng cũng không muốn phải học theo kiểu cày cuốc để kiếm điểm”.
Dạy để hiểu, không phải để “cháy” giáo án
Thầy cô có thể giảng dạy thêm các vấn đề ngoài sách giáo khoa và có thể trả lời những câu hỏi khó mà học sinh thắc mắc; dạy hay dễ hiểu, gắn với thực tế, vui tính hòa đồng, có biện pháp giúp học sinh đỡ nhàm chán trong tiết dạy; bài tập giao phải vừa sức; tôn trọng suy nghĩ của học sinh, quan tâm đến việc học sinh hiểu bài hơn là “cháy” giáo án... Đó là mong muốn của rất nhiều học sinh khi được hỏi: “Nếu có quyền lựa chọn, em sẽ lựa chọn thầy cô với tiêu chuẩn như thế nào? Tiêu chuẩn nào là quan trọng nhất?”.
Khi đưa ra tiêu chuẩn về phong cách và phương pháp giảng bài, em N.T.A, lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, thể hiện quan điểm một cách sinh động: “Em thích thầy cô có phong thái dạy học nghiêm túc nhưng phải vui để tạo cho học sinh sự năng động chứ không phải bạo động và cũng không để học sinh quá thụ động”. Phần lớn các em đều mong muốn thầy cô là người tâm lý, hòa đồng vui vẻ, hiểu được học sinh mình muốn nói gì để đạt được hiệu quả tương tác giữa giáo viên và học sinh ở mức độ cao nhất. Ý kiến trùng khớp nhất ở câu này là học sinh mong muốn thầy cô tận tâm với nghề, với học sinh.
Nếu em là thầy cô, em sẽ làm gì để cho học sinh yêu thích bộ môn? Với câu hỏi này, hầu hết học sinh tha thiết được thầy cô giải thích sự cần thiết của bộ môn khi bắt đầu tiếp xúc với môn học. Tại sao phải học nó? Nó giúp ích gì? Những yếu tố cần thiết để học tốt bộ môn đó? Mong thầy cô luôn tìm tòi phương pháp giảng dạy hay hơn, giúp đỡ học sinh tiếp cận với bài học một cách dễ dàng nhất, bài kiểm tra vừa sức và đủ để phân loại. “Rất mong thầy cô và nhà trường tạo điều kiện để học sinh có thời gian nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động xã hội, thể thao, giải trí. Đừng biến mỗi ngày đến trường là một ngày vui thành mỗi ngày đến trường là một ngày áp lực” - V.V.Th, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, mong mỏi.
Nhiều gửi gắm, kỳ vọng
Qua 150 bài khảo sát, chúng tôi thấy dù có sự chênh lệch về sức học nhưng sự mong muốn của các em về thầy cô đều giống nhau. Học trò thông minh, nhìn nhận vấn đề sắc bén, các em gửi gắm và kỳ vọng rất nhiều ở thầy cô của mình. Có thể những điều các em mong muốn, thầy cô đã làm nhưng chưa hoàn thiện. Rất mong đội ngũ thầy cô giáo ngày càng đáp ứng được nguyện vọng của các em.
Bình luận (0)