Học sinh (HS) THCS, THPT (từ lớp 6-12) tại TP HCM sẽ kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ I trực tiếp tại trường. Đối với HS không tham gia được, hiệu trưởng các trường điều chỉnh đề phù hợp hình thức kiểm tra cho HS.
Tùy tình hình dịch bệnh để tổ chức kiểm tra
Trong khi đó, ở khối các trường tiểu học, theo dự thảo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, HS lớp 1 và lớp 2 sẽ kiểm tra trực tiếp tại trường. Riêng lớp 3, 4, 5, tùy vào tình hình dịch, sẽ áp dụng 2 hình thức kiểm tra trực tuyến và trực tiếp.
Theo dự thảo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP HCM, khi thực hiện kiểm tra đối với lớp 1, 2, các cơ sở giáo dục cũng cần linh hoạt xây dựng kế hoạch và tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung cốt lõi cho HS trước khi tổ chức bài kiểm tra định kỳ môn toán, tiếng Việt. Trong khi đó, ở lớp 3, 4, 5, ngoài 2 môn toán, tiếng Việt, HS sẽ thực hiện thêm các bài kiểm tra ở môn khoa học, lịch sử và địa lý, ngoại ngữ, tin học.
Học sinh từ lớp 7 dự kiến trở lại trường từ ngày 3-1-2022 (Ảnh: ĐÔNG DƯƠNG)
Ông Dương Trần Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), cho biết căn cứ theo dự thảo hướng dẫn về công tác kiểm tra định kỳ của sở, trường xây dựng nhiều kế hoạch để thực hiện trong cả hai trường hợp, nếu HS quay trở lại trường học trực tiếp hay vẫn học trực tuyến. "Hiện nay, trường đang tổ chức tập huấn cho giáo viên khối lớp 1, 2 về công tác kiểm tra trực tuyến. Hai khối lớp này trường không chủ trương kiểm tra giữa kỳ nên chưa quen với kiểm tra trực tuyến bao giờ. Các khối 3, 4, 5 đã được làm quen nên dễ dàng hơn trong trường hợp kiểm tra trực tuyến" - ông Bình nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, xây dựng nhiều kịch bản kiểm tra cuối học kỳ I là cách nhiều trường tiểu học đang thực hiện, khi chưa có quyết định chính thức về thời gian mở cửa trường học ở bậc học này. Hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP Thủ Đức cho biết trong trường hợp HS lớp 1, 2 chưa thể đến trường, nhà trường vẫn có phương án kiểm tra thay thế. Trước mắt là rà soát kiến thức, ôn tập cho HS để các em không bị động, vì theo kế hoạch 10-1-2022 sẽ bắt đầu kiểm tra cuối học kỳ I" - vị này cho biết.
Học sinh từ lớp 6 kiểm tra trực tiếp tại trường
Theo quy định của Sở GD-ĐT TP HCM, khi tổ chức kiểm tra cuối học kỳ I, hình thức, cấu trúc đề kiểm tra cuối học kỳ có thể là tự luận, trắc nghiệm, trắc nghiệm kết hợp tự luận và tỉ lệ các mức độ câu hỏi do hiệu trưởng trường THCS, THPT quyết định sau khi bàn bạc, thống nhất với tổ chuyên môn bảo đảm được đánh giá, phân loại HS theo quy định. Đối với các HS vì cách ly, giãn cách xã hội… không thể tham gia kiểm tra cuối học kỳ từ ngày 10 đến 22-1-2022, sở chỉ đạo các nhà trường xem xét cho HS làm bài kiểm tra, đánh giá bổ sung sau khi đã thực hiện các biện pháp dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng bổ sung kiến thức.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học - Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết sở đã có hướng dẫn cụ thể về kiểm tra cuối học kỳ I cho các khối HS trong thời gian tới. Cụ thể, HS THCS, THPT (từ lớp 6-12) sẽ kiểm tra, đánh giá học kỳ I tại trường. Đối với HS không tham gia được, hiệu trưởng các trường điều chỉnh đề phù hợp hình thức kiểm tra cho các em.
Ông Tân cho biết thêm việc kiểm tra học kỳ phải bảo đảm quy tắc chính xác, công bằng khách quan, trung thực. Việc kiểm tra diễn ra trực tiếp theo quy định, khi UBND TP HCM cho phép những khối khác học trực tiếp, cơ sở giáo dục thực hiện việc ôn tập, củng cố kiến thức cho HS trước khi các em bước vào kỳ kiểm tra. "Việc kiểm tra, đánh giá theo sát tiến độ người học" - ông Tân nhấn mạnh. Riêng đối với nhóm HS chưa thể đến trường, ông Tân cho biết việc kiểm tra được quy định rõ là thực hiện trực tiếp khi HS đi học lại. Trường hợp không thể đến trường vì lý do bất khả kháng thì có thể thực hiện bằng hình thức kiểm tra trực tuyến.
Kiểm tra trực tuyến khó thực chất
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Gò Vấp cho biết khi khảo sát ý kiến phụ huynh về dạy học trực tiếp, có tới 94% phụ huynh lớp 1 đồng ý cho con quay trở lại trường. Lý do phụ huynh đưa ra là vì học trực tuyến không hiệu quả, kiểm tra trực tuyến cũng khó đúng thực chất. Trẻ đã phải học trực tuyến quá lâu, phụ huynh cũng phải đi làm nên có dấu hiệu lơ là phụ giúp con, ảnh hưởng đến hiệu quả giờ học; ảnh hưởng đến cả tâm lý của trẻ.
Bình luận (0)