Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, tính đến cuối tháng 10-2021, toàn thành phố có 153 trường, nhóm, lớp mầm non (MN) giải thể và sắp giải thể. Trong đó có 21 trường, 44 nhóm trẻ, 49 lớp giải thể, 20 trường tạm dừng hoạt động và 19 trường có nguy cơ giải thể.
Nhiều chủ trường mất trắng
Giữa tháng 11-2021, một thông báo cũng là lá thư tạm biệt của anh H.Đ, chủ trường MN A.M (TP Thủ Đức) được đăng lên website khi ngôi trường phải chính thức dừng hoạt động khiến nhiều phụ huynh, học sinh xúc động. Lời chào tạm biệt có đoạn viết: "Chúng ta đã làm rất tốt trên chặng hành trình xây đắp nên những ước mơ và nụ cười cho các bạn nhỏ. Hy vọng sau này, dẫu có đi muôn phương, cũng vẫn nhớ về nhau vì chúng ta cùng có chung một gia đình A.M…".
Những ngôi trường phải dừng hoạt động như trường hợp trên không phải hiếm gặp tại TP HCM khi thành phố trải qua đại dịch. Chị T., chủ một ngôi trường MN trên đường số 3, phường An Khánh (TP Thủ Đức) chia sẻ: Cho dù có điều kiện, cũng phải 10 năm sau mới đủ can đảm để đầu tư, mở trường trở lại. Theo chị T., mỗi ngôi trường là cả tâm huyết, thậm chí là cả cuộc đời với một người. Khi mở trường, nhiều người vay mượn bạn bè, huy động vốn của người thân trong gia đình nhưng qua cơn đại dịch, gần như đã mất trắng tất cả. "Sau khi trường phải giải thể, tôi cũng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Kể cả chuyện đầu tư ngôi trường, vì bản tính cầu toàn, ngôi trường của mình phải xanh, sạch. Tôi lựa từng loại hạt sạch để làm sữa hạt cho các cháu, ngôi trường không dùng bất kỳ sản phẩm nhựa nào… Nhưng để duy trì những nguyên tắc như vậy đòi hỏi chi phí quá lớn, khiến ngôi trường không thể trụ lại được khi dịch bệnh kéo dài" - chị T. cho biết.
Trường MN Tatuschool khi còn hoạt động, nay chủ trường đã phải bán hết nhà, đất để giữ ngôi trường
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, chủ hệ thống Trường MN Little Saigon Kindergarten và Victoria Preschool, cho biết trong đợt dịch năm 2020, nhà trường đã phải đóng cửa một cơ sở tại khu vực Thảo Điền. Đến năm 2021, trong suốt mấy tháng không hoạt động vì dịch bệnh, nhà trường không còn nguồn thu nào nhưng chi phí vẫn quá nhiều để duy trì vận hành, bộ máy quản trị, bởi vì thực tế, phụ huynh và học sinh của trường vẫn còn.
"Khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, nhà trường vẫn hỗ trợ trả lương cơ bản cho đội ngũ giáo viên, nhân viên nhưng đến đợt dịch thứ 4 thì không kham nổi. Nhà trường chỉ có thể trả lương và duy trì bảo hiểm cho những giáo viên vẫn còn thai sản, đồng thời sắp xếp những việc nhỏ cho các giáo viên khác. Làm cầu nối cho những phụ huynh muốn tìm giáo viên, nhân viên đến nhà phụ chăm sóc con" - bà Chi chia sẻ.
Giữ trường vì còn tâm huyết
Dịch bệnh làm tan tác bao ngôi trường tư thục. Theo tính toán của hiệu trưởng một trường MN, chi phí đầu tư cho một ngôi trường rất lớn. "Để có thể tuyển sinh được 100 học sinh, không tính chi phí mặt bằng, ít nhất mỗi trường phải đầu tư ban đầu từ 700 triệu đồng trở lên, trường giải thể xem như số tiền đầu tư này mất trắng. Trừ khi không thể gượng dậy nổi thì chủ trường mới phải cho dừng hoạt động" - vị này cho biết.
Chi phí thuê mặt bằng quá lớn nhưng trường học đóng cửa im lìm trong một thời gian dài khiến nhiều chủ trường kiệt quệ. Bà Chi cho rằng để duy trì ngôi trường, không ít chủ trường phải bán đất, bán nhà để xoay xở nhưng ngay cả khi được hoạt động trở lại thì khó khăn cũng chất chồng. Khó khăn sẽ y như giai đoạn đầu thành lập và vận hành trường.
Ở bậc MN, việc đi học trở lại hay không còn phải tùy thuộc vào tự nguyện của phụ huynh và trường tư sẽ còn khó khăn gấp bội khi tuyển sinh. Đó là chưa kể, nếu gửi con đi học thì yêu cầu của phụ huynh sẽ rất cao, gần như là tuyệt đối phải bảo đảm an toàn cho con họ, đặt trách nhiệm cho các trường rất lớn. "Nhưng ai cũng biết, không thể có sự tuyệt đối. Đó là chưa kể hiện nay, ngay trong trường, nhiều giáo viên đã chuyển nghề, nghỉ luôn để làm việc khác nên khi vận hành trở lại sẽ gặp ít nhiều biến động" - bà Chi nói.
Đầu tháng 12-2021, rao bán thêm một căn hộ chung cư để có kinh phí giữ lại trường, chị Hà Ngọc Nga, chủ Trường MN Tatuschool (TP Thủ Đức), cho biết gia đình đã bán hết đất, giờ bán thêm nhà để giữ ngôi trường. "Trước lựa chọn buông tay hay tiếp tục giữ trường. Có người khuyên tôi nghĩ thoáng ra, đừng ôm trường để thêm căng thẳng. Tôi cũng đã suy nghĩ rất lâu và quyết định giữ lại trường cho các con. Tôi nghĩ lại lý do mình bắt đầu xây dựng ngôi trường và cho đến nay, vẫn chắc chắn với lựa chọn. Đó là tình yêu dành cho trường và các học sinh của mình" - chị Nga chia sẻ.
Giữ tinh thần, tiếp tục chờ đợi
Theo bà Nguyễn Thị Kim Chi, điều tự hào nhất lúc này là giữ lại được ngôi trường, nghĩa là giữ lại được đam mê, tâm huyết của mình. "Chúng tôi động viên nhau ráng giữ tinh thần, cố gắng hết mình và sắp xếp thỏa đáng để không phải đóng cửa trường. Cũng không thể ngồi yên chờ nhà nước hỗ trợ. Giáo dục cũng như các ngành khác, tự xoay xở để cố gắng vượt qua" - bà Chi bày tỏ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-1
Kỳ tới: Nhiều hệ lụy nếu không thể vực dậy
Bình luận (0)