“Trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH, CĐ là vấn đề rất cần được nghiên cứu triển khai”. GS-TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập, đã gợi mở như vậy.
GS-TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng: Chúng tôi đang phải bơi đủ kiểu, không bơi thì trường không tồn tại!
Không nói suông
GS Trần Hồng Quân nhấn mạnh: “Nói tự chủ nhưng tự chủ như thế nào, tự chủ ở mức độ nào? Mối tương quan giữa Nhà nước, Bộ GD-ĐT, các trường sẽ ra sao... đều là những vấn đề cần phải bàn bạc kỹ”. PGS-TS Mai Văn Thìn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên, tiếp lời bằng việc đặt ra vấn đề hành chính một cửa như hiện nay trong giáo dục ĐH.
Ví dụ, đi mua sắm thiết bị học tập, đề xuất kinh phí đầu tư xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị... tất cả đều phải phụ thuộc vào Bộ GD-ĐT. “Điều chúng ta gặp trở ngại hiện nay là vấn đề tự quyết. Trong đó, chúng ta cần bàn thẳng đến vấn đề tự quyết tài chính”- PGS-TS Mai Văn Thìn gút lại.
Tự chủ, tự quyết nhưng ở những phạm trù nào, mức độ ra sao? Đại biểu Trương Ngọc Thục, Trường CĐ Viễn Đông, cho rằng các trường ĐH, CĐ cần có quyền quyết định mở ngành và quyết định nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy để đạt được mục tiêu do nhà trường đề ra. Bộ GD-ĐT cần trao ngay cho trường quyền tự tuyển chọn người học, tuyển chọn và bố trí cán bộ, có quyền quyết định thu chi tài chính. Theo ông, không có được điều này thì nói tự chủ là nói suông.
Năm 1997, cả nước có 110 trường ĐH, CĐ; đến nay có 376 trường và 80 trường ngoài công lập. Tốc độ phát triển “ngựa phi” như vậy đặt ra nhiều thách thức cho các trường. Đặc biệt các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Nhiều đại biểu cùng nhận định đây là mô hình rất phát triển ở nhiều nước trên thế giới và là xu thế không thể đảo ngược.
Thế nhưng, theo kinh nghiệm của GS-TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, các trường ngoài công lập hiện đang phải tự bơi. “Chúng tôi đang phải bơi đủ kiểu, không bơi thì trường không tồn tại. Vì vậy, tôi đề nghị phải có thêm chữ “tự quyết” mới giải quyết được vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước xã hội, trước chất lượng đào tạo sinh viên”- ông Nghị nhấn mạnh.
Thiếu lộ trình
Thạc sĩ Phạm Văn Luân, Trường CĐ Bến Tre, cho rằng hầu hết lãnh đạo các trường ĐH, CĐ đều nhận thức được phải có quyền tự chủ. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động hiện nay đã đặt các trường đứng trước những thách thức lớn: Một bên là khung điều lệ trường ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT, một bên là nguồn lực và sự quan tâm của chính quyền địa phương với những điểm khác nhau trong việc thực thi quyền tự chủ.
Chẳng hạn, khung biên chế cán bộ giảng viên bộ quy định là dựa trên tổng số sinh viên, còn chính quyền địa phương thì quyết định dựa trên cơ sở thực tế, dẫn đến bất cập trong mô hình tổ chức, chế độ đãi ngộ và cơ chế điều hành nhà trường.
Chưa kể, hiện nay các trường vẫn chưa tự quyết được chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy của mình. Do vậy, các trường ĐH, CĐ địa phương đang gặp nhiều khó khăn mà tựu trung do Bộ GD-ĐT chưa triển khai lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Trong nhóm giải pháp đề ra, nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT cần sớm có cuộc khảo sát chính thức và quy mô toàn quốc để đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động của các trường ĐH, CĐ địa phương. Từ đó, nghiên cứu xây dựng chiến lược và lộ trình thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường với hệ thống cơ chế, chính sách mềm dẻo, linh hoạt nhằm gia tăng tính chủ động hội nhập cho các trường.
Bình luận (0)