Dự án được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đệ trình. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết trong 3 năm từ 2006-2008 (chưa kể năm 2009), 48 trường ĐH được thành lập (gồm 24 trường mới thành lập, 24 trường được nâng cấp từ CĐ lên).
Thành lập nhiều, hoạt động cầm chừng
GS Đào Trọng Thi, người đứng đầu cơ quan thẩm tra, cho biết qua khảo sát, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH nhận thấy thời gian qua, nhiều trường sau khi có quyết định thành lập vẫn phải hoạt động cầm chừng do không đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên.
Thậm chí, có trường không thể hoạt động sau khi công bố quyết định thành lập nhiều năm. Nguyên nhân chủ yếu do quy định điều kiện thành lập trường còn chung chung, thiếu cụ thể và chưa tính đến việc từ khi có quyết định thành lập đến khi chính thức hoạt động cần phải có thời gian nhất định để trường chuẩn bị các điều kiện.
Vì thế, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH tán thành đề xuất của Chính phủ tách việc thành lập trường thành 2 bước, gồm điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện để được phép hoạt động giáo dục.
Gắn với mỗi bước là các điều kiện cụ thể. Tuy nhiên, GS Đào Trọng Thi cho rằng điều kiện thành lập trường và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục nên trình bày thành các yêu cầu cụ thể để thuận tiện trong việc thẩm định và giám sát. Mặt khác, cần quy định rõ người có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục đối với nhà trường ở các cấp học và trình độ đào tạo, đồng thời quy định ngay trong luật các trường hợp nhà trường bị đình chỉ hoạt động hoặc bị giải thể nhằm bảo đảm kỷ cương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Băn khoăn về thẩm quyền thành lập trường ĐH
Với mục tiêu chỉ sửa đổi những vấn đề đang bức xúc nhất của nền giáo dục, Chính phủ trình theo hướng chuyển thẩm quyền quyết định thành lập trường ĐH công lập và cho phép thành lập ĐH tư thục từ Thủ tướng sang cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Đây là khúc mắc được đặt lên hàng đầu giữa hai cơ quan.
Chính phủ khẳng định việc giao thẩm quyền này xác định rõ hơn trách nhiệm của bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong quản lý Nhà nước về giáo dục. Thủ tướng tập trung điều hành vĩ mô, quy định về việc thành lập trường ĐH nói chung, còn với từng trường cụ thể thì thẩm quyền giao cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Giữ quan điểm trái ngược, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH nhìn nhận việc thành lập trường ĐH liên quan đến chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển GD-ĐT quốc gia, nhất là chủ trương ưu tiên đầu tư tập trung xây dựng một số trường ĐH trọng điểm đạt trình độ khu vực, quốc tế. Do đó, thẩm quyền này phải do Thủ tướng đảm trách.
Mặt khác, tình trạng phát triển ồ ạt các trường ĐH không hội đủ điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo trong thời gian qua đang làm dư luận xã hội lo ngại. “Nếu tập trung cả trách nhiệm thẩm định và thẩm quyền quyết định thành lập trường ĐH cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT e rằng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng này”- GS Đào Trọng Thi cảnh báo.
Giám sát tối cao việc thành lập trường ĐH, CĐ
|
Bình luận (0)