Chiều 26-5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân; bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM; bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM - cùng đại diện các sở, ngành đã đến thăm, chia sẻ và động viên gia đình em học sinh (HS) bị cây phượng vĩ ngã đè tử vong sáng cùng ngày tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP HCM).
Chia sẻ nỗi đau với gia đình HS bị nạn
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã thăm hỏi, động viên và chia sẻ những mất mát mà gia đình ông Nguyễn Duy Trung (SN 1967) gặp phải. Khi được lãnh đạo TP HCM thăm hỏi, ông Trung nghẹn ngào: "Thường ngày, hai cha con ở nhà ông bà nội, sáng nào tôi cũng chở cháu đi học. Sáng nay, tôi ghé tiệm mua cho cháu một hộp nui xào bò rồi chở con đến trường. Vậy mà tôi vừa về đến nhà thì nghe hung tin...".
Ông Nguyễn Văn Phúc (đứng), Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, nhận trách nhiệm về sự việc. Ảnh: NGUYÊN HÀ
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nắm chặt đôi tay rám nắng, động viên ông Trung ráng giữ gìn sức khỏe để lo hậu sự cho cháu và chăm sóc mẹ cháu vừa sinh em bé được 3 ngày.
"Mong gia đình sớm vượt qua nỗi đau vì sự ra đi của cháu, là nỗi mất mát vô cùng to lớn đối với gia đình cũng như nhà trường" - Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.
Chiều 26-5, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cùng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Sở Y tế, UBND quận 3 đã tổ chức họp báo, cung cấp thông tin vụ tai nạn do cây phượng vĩ bật gốc tại Trường THCS Bạch Đằng, khiến 1 HS tử vong và nhiều em bị thương.
Tại buổi họp báo, ông Trần Quang Bá, quyền Chủ tịch UBND quận 3, cho biết vào lúc 6 giờ 22 phút ngày 26-5, tại sân Trường THCS Bạch Đằng xảy ra vụ phượng vĩ cổ thụ ngã đè lên 18 HS, trong đó có 2 em lớp 6.7, còn lại là HS lớp 6.8. Ngay sau đó, nhà trường đã liên lạc với các ban, ngành chức năng đưa các em vào các bệnh viện gần nhất là Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện An Sinh, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Sài Gòn - ITO. Ngay khi nhận được thông tin, đại diện Thường trực UBND quận 3 trực tiếp xuống hiện trường, chuyển các em đến bệnh viện, thăm hỏi nắm tình hình, đồng thời phân công nhà trường giải thích, trấn an phụ huynh. Công an quận 3 khám nghiệm hiện trường, hỗ trợ nhà trường xử lý sự việc. "Đáng tiếc là một HS tử vong" - ông Trần Quang Bá nói. Hiện các em bị thương đã được phẫu thuật, theo dõi sức khỏe; một số em sức khỏe ổn định đã được đưa về nhà.
Ông Trần Quang Bá cho biết đối với trường hợp HS tử vong, quận 3 đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể đến nhà em, chi tạm ứng hỗ trợ trước mắt cho gia đình 40 triệu đồng. Gia đình HS này là hộ cận nghèo. Mẹ em mới sinh con nhỏ được 3 ngày, rất khó khăn. Quận đã động viên, chia sẻ và lo tang sự cho em.
Đối với các HS bị thương, quận 3 phân công các ban, ngành, đoàn thể phối hợp cùng gia đình xử lý các vấn đề liên quan. "Thường trực UBND quận 3 cũng yêu cầu các trường, ban, ngành liên quan xem lại cây xanh trong các sân trường để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra" - ông Trần Quang Bá nói.
Bài học cho ngành giáo dục
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, cây phượng vĩ trong sân trường được trồng từ năm 1996, qua 3 đời hiệu trưởng trước đây. Định kỳ, công ty cây xanh vào mé nhánh, chăm sóc cây. Ông Nguyễn Văn Phúc thẳng thắn nhận trách nhiệm về mình, đồng thời bày tỏ nhà trường rất bất ngờ khi sự cố xảy ra vì trước lúc bật gốc, cây phượng vĩ vẫn tươi tốt. Sáng 26-5, HS lớp 6.8 đang ngồi ăn sáng thì cây đổ về phía các em. Nhà trường đã báo cấp cứu ngay...
Về phía Sở GD-ĐT TP HCM, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc sở, cho rằng rất đáng tiếc khi sự việc trên xảy ra. Đây là lần đầu tiên có việc cây đổ trong trường học gây thương vong cho HS.
Nói về công tác bảo đảm an toàn trong trường học, ông Lê Hoài Nam cho rằng có nhiều vấn đề như an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, mái ngói, máng nước, cây xanh... "Với chức năng cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi luôn luôn quan tâm nội dung này. Mỗi năm sở đều có văn bản nhắc nhở nhà trường về việc bảo đảm an toàn cho học sinh vào đầu tháng 8, khi chuẩn bị vào học và vào đầu tháng 3, khi chuẩn bị vào mùa mưa" - ông Lê Hoài Nam khẳng định.
Sự việc HS tử vong cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các bên liên quan thế nào? Chẳng hạn như đơn vị nào quản lý cây xanh trong trường học? Quy định về chỗ ngồi của HS ra sao ở sân trường... Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, sự việc trên là bài học cho ngành giáo dục trong việc tiếp tục tăng cường công tác an toàn trường học cho HS. Về quản lý cây xanh, ông Lê Hoài Nam cho biết có nhiều cơ quan quản lý, trong đó Sở Xây dựng là cơ quan trực tiếp. Cây nhỏ, cây lớn được đốn hay không, hiệu trưởng nhà trường không có thẩm quyền. Hiệu trưởng chỉ làm văn bản gửi cơ quan chức năng để xin ý kiến.
Tại buổi họp báo, đại diện Công an quận 3 thông tin ngay khi nhận được tin báo sự việc, lực lượng công an đã đến trường, triển khai bảo vệ và tiến hành khám nghiệm hiện trường. Hiện lực lượng công an đang điều tra và xác minh sự việc...
Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ gửi lời chia buồn tới gia đình HS tử vong và gửi lời thăm hỏi các em bị thương trong vụ tai nạn nghiêm trọng do cây phượng đổ.
"Đây là sự việc hết sức đau lòng. Thay mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT, tôi gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình em HS đã mất và gửi lời thăm hỏi tới các HS bị thương. Tôi cũng gửi lời động viên tới giáo viên, HS Trường THCS Bạch Đằng, mong các em HS và các thầy cô giáo ổn định tâm lý, sớm vượt qua mất mát này để ổn định tổ chức dạy và học" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia buồn và động viên.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, việc bảo đảm an toàn trường học phải tiếp tục được các nhà trường, địa phương quan tâm hơn nữa. Bộ trưởng đề nghị Sở GD-ĐT TP HCM, các Sở GD-ĐT trong toàn quốc cần chỉ đạo ngay các nhà trường liên hệ đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn, tiến hành việc kiểm tra, kiểm kê và cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có thể gãy đổ... bảo đảm an toàn tuyệt đối cho HS, giáo viên. Các trường cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ những quy định về môi trường giáo dục an toàn; các chỉ đạo về bảo đảm an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho HS, sinh viên.
Bộ GD-ĐT cho biết ngay sau khi sự việc xảy ra, bộ đã liên hệ với Sở GD-ĐT TP HCM để nắm bắt tình hình, đồng thời cử đại diện đến tận nơi thăm hỏi các em HS.
Y.Anh
Cây bật gốc do mưa?
Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho biết sau khi xảy ra sự cố đáng tiếc tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 3), sở đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hạ tầng, cây xanh tổng kiểm tra an toàn về các cây xanh, đặc biệt là cổ thụ.
Trao đổi với phóng viên, ông Bình cho rằng cây phượng vĩ bị đổ gốc nằm bên trong khuôn viên sân, được nhà trường trực tiếp quản lý và đảm trách việc duy tu, bảo dưỡng. "Sở Xây dựng TP đang phối hợp với công an để làm rõ nguyên nhân, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục đối với các cây xanh tương tự trên địa bàn TP" - ông Bình nói.
PGS-TS Chế Đình Lý, Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐHQG TP HCM), nhận định cây phượng vĩ rất khó bật gốc. Tuy nhiên, theo quan sát hình ảnh được chụp lại, bộ rễ cây bị thối sau quá trình chịu mưa. Đây được cho là sự cố đáng tiếc khi gốc cây không đủ sức gánh những tán cây xung quanh, ngã đúng vào thời điểm HS đến trường.
Theo TS Vũ Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh thái học Việt Nam, phượng là giống cây được khuyến khích trồng tại công sở, trường học. Đây là cây phù hợp với khí hậu, thời tiết tại Việt Nam và có tán rộng. Mùa hè nở hoa đỏ rất đẹp. "Đặc tính của cây là rễ bám rất sâu dưới lòng đất và rất khó bật gốc" - TS Long nêu.
L.Phong
Bình luận (0)