Trong đợt thi tuyển dụng công chức của tỉnh Nam Định ngày 16-10, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Tuyển dụng công chức tỉnh Nam Định, cho biết tỉnh không chủ trương tuyển dụng công chức là những người tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục hay hệ tại chức. |
Nhiều bạn đọc lo ngại khi vào các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, có lúc thi ba môn mà chỉ cần 8 điểm cũng đậu! Bạn đọc Xuân Tùng nói: "Họ chỉ cần đủ sĩ số để mở lớp. Tôi không tin những người có quá trình học tập không tốt lại là người làm việc tốt. Một số người tuy thái độ học tập chưa phù hợp nhưng họ có động cơ học tập rõ ràng thì may ra có khả năng vươn lên. Đó là số ít cử nhân ngoài công lập thành đạt".
Trong khi đó, không ít bạn đọc đã phản ứng khá gay gắt trước quyết định gây sốc của UBND tỉnh Nam Định. Bạn Nguyễn Tài Cường cho rằng quyết định này sẽ tạo ra khoảng cách rất lớn không chỉ đối với các trường công lập và ngoài công lập mà còn tạo ra khoảng cách, áp lực cho các tân sinh viên khi chọn ngành, nghề, trường để theo học. “Nếu như tỉnh nào cũng chỉ tuyển cử nhân công lập như Nam Định, Đà Nẵng thì ai còn dám học dân lập, tại chức?” – bạn Cường nói.
Theo bạn đọc Phạm Khắc Tiến, UBND tỉnh Nam Định chưa công bằng khi “chặn đầu” người tài như vậy. Nếu tuyển cán bộ công chức theo kiểu Nam Định và Đà Nẵng, ông Bill Gates có đến xin việc cũng ngậm ngùi ra về vì không qua ĐH, chứ đừng nói là tại chức hay dân lập?!
Bill Gates - Nhà sáng lập Tập đoàn Microsoft - bỏ học giữa chừng khi đang theo học ĐH Harvard
Một sinh viên vừa tốt nghiệp một trường ĐH lớn của ĐHQG TPHCM cũng trầy trật đi xin việc. Sinh viên này cho biết tấm bằng “danh giá” cũng chỉ là lợi thế ở vòng nhận hồ sơ còn khi thi tuyển ở các công ty, người ta đòi hỏi kinh nghiệm.
Bạn đọc Trân Minh nêu một thực tế lâu nay nhiều cấp, ngành thông báo tuyển dụng cũng đều yêu cầu không tuyển dân lập hay tại chức, chỉ có điều họ không ban hành quyết định và công bố rầm rộ thôi. Tại sao có hiện tượng diễn ra như thế? Trước hết là thái độ phân biệt và trọng bằng cấp đã ăn sâu vào xã hội. Một điều nữa là Bộ GD-ĐT, nơi công nhận tất cả các loại bằng cấp, chưa có những cuộc khảo sát, thống kê độc lập về tỉ lệ đầu ra của sinh viên các trường mà chỉ dựa vào báo cáo từ các trường.
Bạn đọc Nguyễn Quảng Trực khẳng định: Rõ ràng tuyển dụng người tài cần được sàng lọc ở đầu vào nên nếu tốt nghiệp từ một trường công lập có uy tín thì sinh viên dễ dàng được chọn trong “một rừng” hồ sơ xin việc. Tuy nhiên, để công tác tuyển dụng đạt được kết quả tốt, nhiều đơn vị phải có tiêu chuẩn rõ ràng, đánh giá chính xác, công khai và công bằng. Chủ trương của Nam Định hiện nay và của Đà Nẵng trước đây là một hồi chuông báo động cần thiết, kịp thời để Bộ GD-ĐT, lãnh đạo các trường dân lập, trường đào tạo tại chức có biện pháp tích cực để nâng cao chất lượng đào tạo của mình.
Đừng dựa vào bằng cấp
Bạn đọc Ngọc Toàn, một trong những người tốt nghiệp trường dân lập, nói: Thật buồn khi người có trách nhiệm của tỉnh Nam Định lại suy nghĩ lệch lạc đến thế. Trước đây, khi vừa tốt nghiệp một trường dân lập, tôi đã 'đánh bại' rất nhiều người tốt nghiệp công lập chính qui và cả những vị con ông cháu cha để được nhận vào làm việc cho một tổng công ty Nhà nước hàng đầu về lĩnh vực in ấn bao bì. “Đừng mang suy nghĩ thiển cận, duy ý chí, cào bằng ấy mà soi xét trình độ một người dựa trên bằng cấp!” – bạn Toàn khẳng định. |
Bình luận (0)