Theo công bố của Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, sách giáo khoa (SGK) lớp 4 của NXB này có giá dao động từ 182.000 đến 186.000 đồng (chưa bao gồm sách tiếng Anh).
Giá tăng chóng mặt
Bộ SGK lớp 8 có giá từ 186.000-212.000 đồng (chưa bao gồm sách tiếng Anh). Riêng bộ "Chân trời sáng tạo" của NXB Giáo dục có 2 cuốn "Mỹ thuật", 2 cuốn "Hoạt động trải nghiệm", nhà trường sẽ chọn 1 trong 2 cuốn sách để dạy và học. Bộ SGK lớp 11 được bán với giá khoảng 350.000 - 390.000 đồng. So với SGK theo chương trình cũ, giá sách mới của lớp 4 cao hơn khoảng 2-3 lần. Tuy nhiên, sách cũ có ít cuốn hơn, trong khi sách mới số cuốn tăng thêm chủ yếu ở các môn giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm.
Trong khi đó, bộ sách "Cánh diều" lớp 4 với 13 cuốn, giá 230.000 đồng/bộ; SGK lớp 8 với 13 cuốn, giá 265.000 đồng/bộ. SGK lớp 11 gồm 15 cuốn (9 cuốn của 6 môn bắt buộc, 4 cuốn của 4 môn lựa chọn và 3 sách chuyên đề), có giá gần 400.000 đồng/bộ. Mức giá này chưa tính giá sách tiếng Anh.
Giá sách lớp 4 từ 182.000 - 230.000 đồng/bộ, chưa bao gồm sách tiếng Anh và các sách giáo dục địa phương
Lý giải về việc vì sao giá SGK khoa mới cao hơn hẳn giá hiện hành, NXB Giáo dục Việt Nam cho rằng có khác biệt cơ bản giữa chi phí tổ chức biên soạn SGK hiện hành và bộ sách mới. Về nguồn vốn, việc biên soạn, xuất bản SGK mới là vốn do doanh nghiệp tự đầu tư và vay ngân hàng. Còn đối với sách hiện hành (cũ), là bằng vốn ngân sách nhà nước và vốn vay Ngân hàng Thế giới, NXB Giáo dục Việt Nam chỉ chi trả các chi phí tổ chức bản thảo cho việc tái bản. Chi phí bản thảo sách hiện hành chỉ bằng khoảng 1/10 bản thảo sách mới.
Thứ hai, nhuận bút đối với SGK mới cao hơn so với sách hiện hành và phát sinh trong chế độ đãi ngộ do cơ chế cạnh tranh để có tác giả giỏi.
Thứ ba, SGK mới có khổ 19 x 26,5 cm, lớn hơn 1,23 lần khổ SGK hiện hành (17x24 cm) để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục theo mô hình phát triển năng lực, thông qua hình ảnh hóa nội dung... Do đó, chi phí in tăng cao so với SGK hiện hành. Ngoài ra, còn có chi phí marketing, khi có nhiều NXB cùng tham gia xuất bản SGK trong môi trường cạnh tranh, kéo theo chi phí cho các hoạt động như giới thiệu, cung cấp sách mẫu; truyền thông... Trong khi giá của SGK hiện hành (cũ) không phải phân bổ các chi phí này.
Tuy nhiên, NXB Giáo dục Việt Nam vẫn khẳng định, giá sách của đơn vị này đang thấp nhất trong các bộ sách đã được phê duyệt của đơn vị này. Cụ thể, bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" có mức giá thấp hơn từ 22%-26% so với giá các bộ sách của các NXB khác. NXB Giáo dục Việt Nam cũng cho hay đã tiếp tục thực hiện tiết giảm phí phát hành (chiết khấu) để giá SGK lớp 4, 8, 11 thấp hơn so với năm trước. "Các bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam hiện có mức giá thấp nhất trong các bộ sách đã được phê duyệt" - đại diện NXB Giáo dục Việt Nam khẳng định.
Chiết khấu quá cao
Theo đánh giá của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mức chiết khấu đối với SGK, sách tham khảo hiện nay quá cao. Đoàn giám sát cho rằng cần đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng của mức chiết khấu này.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết hiện Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) chủ trì tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá SGK để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý nhà nước về giá, kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật. Các NXB tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá SGK đã kê khai với Bộ Tài chính.
Theo văn bản kê khai giá của NXB Giáo dục Việt Nam với Bộ Tài chính, mức chiết khấu phát hành cho SGK theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 kê khai từ năm 2020 của NXB này như sau: 23% cho SGK lớp 1, 2 và 6; 22,5% cho SGK lớp 3, 7 và 10; 21% cho SGK lớp 4, 8 và 11.
"Mức chiết khấu như vậy có tác động đáng kể đến giá SGK" - báo cáo của Chính phủ giải trình đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận. Báo cáo do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, thừa ủy quyền của Thủ tướng, ký cũng cho hay Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng mức giá trần của SGK theo quy định để tăng cường quản lý của nhà nước đối với giá SGK. Đây là giải pháp quản lý giá SGK, giảm mức chiết khấu phát hành SGK.
Người dân bức xúc về giá sách
Báo cáo "Tình hình nhân dân về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022" của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho hay người dân băn khoăn, bức xúc về sự độc quyền hay có hiện tượng lợi ích nhóm trong việc in ấn, phát hành SGK và giá SGK còn quá cao, thậm chí cao hơn từ 2 đến 3 lần so với giá sách những năm trước, nên ảnh hưởng đến nhiều gia đình gặp khó khăn về kinh tế, nhất là các gia đình ở vùng sâu, vùng xa.
"Nhân dân bức xúc trước vụ việc một số đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về đấu thầu đẩy giá SGK lên quá cao gây khó khăn cho nhiều gia đình có con em đang trong độ tuổi đi học, làm bức xúc trong dư luận" - báo cáo nêu rõ.
Nhiều nguyên nhân khiến giá sách tăng cao
Trong một báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 88 và 51 về đổi mới chương trình, SGK phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chỉ ra nhiều nguyên nhân giá sách mới cao hơn 2 - 3 lần so với sách cũ.
Theo đó, SGK viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới được quản lý theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giá, Luật Xuất bản. SGK không thuộc danh mục mặt hàng do nhà nước định giá, bình ổn giá, mà thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá. Giá SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới do các doanh nghiệp, NXB tự quyết định, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước không phê duyệt giá, không quyết định giá và không can thiệp vào quyền tự định giá của các đơn vị.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trước đây cả nước áp dụng một bộ SGK do NXB Giáo dục Việt Nam in ấn, phát hành. Từ năm 2020 đến nay, thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, hiện cả nước có 7 NXB đủ điều kiện tham gia tổ chức biên soạn SGK. Trên cơ sở phê duyệt các sách của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính phối hợp tiếp nhận kê khai giá SGK của các đơn vị theo quy định pháp luật về giá.
Việc xã hội hóa biên soạn SGK thu hút đông đảo đội ngũ trí thức, nhà giáo, chuyên gia giỏi tham gia, có sự cạnh tranh về mặt chất lượng, hình thức, nội dung. Tuy nhiên, đi cùng với đó là một số bộ SGK mới có giá cao hơn so với sách cũ với các lý do chính như khổ sách, số cuốn sách, số màu in các cuốn sách trong bộ sách mới đều cao hơn. Ngoài ra, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu, nhân công... hiện đều tăng cao so với trước đây. Một số chi phí như bản thảo, nhuận bút lần đầu trước đây được ngân sách nhà nước chi trả, nay không được ngân sách nhà nước hỗ trợ nữa nên đã tính vào giá. Bên cạnh đó, còn phát sinh một số chi phí gắn với việc xã hội hóa như quảng bá, giới thiệu sách, lợi nhuận...
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-8
Kỳ tới: Có thực sự trao quyền lựa chọn SGK?
Bình luận (0)