Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), môn tiếng Anh có gần 750.000 thí sinh dự thi, trong đó gần 473.000 bị điểm dưới trung bình (chiếm 63,13%), 543 em bị điểm liệt (từ 1 trở xuống), 225 em đạt điểm tuyệt đối (10).
Điểm trung bình môn này là 4,58 và mức điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,4. So với kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, hai con số này tăng khoảng 0,2 điểm nhưng tiếng Anh vẫn bét bảng trong 9 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Theo phân tích của một chuyên gia, điểm số này còn chưa phản ánh đúng thực tế trình độ tiếng Anh của học sinh. Năm nay, gần 100.000 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên không phải dự thi môn này mà các em chỉ phải thi 3 bài văn, toán và tổ hợp để xét tốt nghiệp.
Phổ điểm thi môn tiếng Anh
Theo một chuyên gia giáo dục, điểm môn tiếng Anh thường phân hóa rất rõ rệt theo vùng miền, tỉnh thành. Tại hội thảo Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh do Bộ GD-ĐT tổ chức, bộ này cũng thừa nhận chất lượng tiếng Anh ở khu vực khó khăn như miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long gần như không thay đổi, trong khi tại các tỉnh, thành lớn đã có chuyển biến tích cực.
Ông Đặng Hiệp Giang, chuyên viên môn tiếng Anh, Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT, từng cho rằng vấn đề khác biệt hệ đào tạo là một nguyên nhân dẫn tới chất lượng học sinh không đồng đều, kết quả thi không đồng đều. Hiện nay vẫn đang tồn tại hai hệ chương trình đào tạo ngoại ngữ ở bậc phổ thông, chương trình hệ 7 năm (từ lớp 6) và 10 năm (từ lớp 3), hệ 10 năm chủ yếu được triển khai ở những tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Qua thống kê và đánh giá, học sinh hệ 10 năm có chất lượng tốt hơn học sinh hệ 7 năm.
Theo ông Giang, cần phải triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm rộng khắp. Tuy nhiên, điều này lại cần một đội ngũ giáo viên có chất lượng, trong khi thực tế chất lượng giáo viên hiện nay rất không đồng đều, ở những tỉnh khó khăn, trình độ giáo viên còn hạn chế. Chưa kể đến xu hướng là giáo viên dạy tiếng Anh giỏi ở các vùng khó khăn sau một thời gian công tác sẽ chuyển về những những thành phố lớn, có điều kiện tốt hơn.
Một giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội nhận xét thêm giáo trình tiếng Anh hiện nặng về học vẹt khô khan dẫn đến người học không hứng thú với môn học này. Người học bị lệ thuộc vào người dạy, không có khả năng tự học, khó có được sự thích thú với ngôn ngữ mới.
Bình luận (0)