Theo thống kê của Cyber Universities năm 2018, có hơn 80% trường ĐH tại Mỹ sử dụng phương thức đào tạo trực tuyến, tại Singapore có tới gần 90%. Thế nhưng, tại nước ta, đến khi học sinh, sinh viên cả nước buộc nghỉ học do dịch Covid-19, nhiều công ty, tập đoàn mới ra mắt các phần mềm học trực tuyến, nhiều trường THPT bắt đầu áp dụng, hình thức học này mới được chú ý.
Mông lung tài khoản học trực tuyến
Đổi sang phương pháp giáo dục trực tuyến, phụ huynh cần trang bị cho con máy tính hoặc các thiết bị điện tử có thể kết nối internet, wifi để truy cập internet và cả sự tập trung, ý thức học tập cho con hoặc bỏ thời gian giám sát. Điều này có thể đang khiến một số phụ huynh e ngại.
Thêm vào đó, phương pháp giáo dục truyền thống tương tác người với người đã trở nên quen thuộc, thế nên khi đổi sang phương thức trực tuyến, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng. "Bài học ngày càng khó mà các con phải tự học, tự nghiên cứu do các phần mềm này không trao đổi trực tiếp với giáo viên được. Chưa kể đến phần mềm mà con tôi đang học do nhà trường báo mở tài khoản còn không hỗ trợ gửi hình ảnh, những thắc mắc, bài giải trên giấy sẽ không thể truyền đến giáo viên..." - một phụ huynh tại quận 5 (TP HCM) cho biết.
Việc học trực tuyến buộc người học phải tự tìm hiểu, nghiên cứu nhiều hơn sẽ khó hiệu quả nếu học sinh chưa thay đổi. Chưa kể đến các em phải tăng khả năng tập trung để có thể hiểu bài, tiếp nhận thông tin không qua trao đổi trực tiếp. Em Lý Khang, một học sinh tại TP HCM, nói: "Em được hướng dẫn học trực tuyến mấy ngày nay nhưng không quen sử dụng. Các bài học sắp xếp lộn xộn, trùng lặp, một môn lại có quá nhiều giáo viên khiến em không biết chọn ai. Giáo viên mỗi người lại đăng bài một kiểu, thiếu thống nhất".
Ngoài ra, một số nhà trường áp dụng hình thức giáo dục trực tuyến chỉ đưa tài khoản đăng nhập cho học sinh mà không hướng dẫn gì thêm. Các bài học lại được nhiều giáo viên cùng một bộ môn tự đăng tải bằng tài khoản, không có người quản lý, sắp xếp lại. Do đó, nhất là với các em học sinh cấp tiểu học, chưa tiếp xúc nhiều với máy tính và không được hướng dẫn sử dụng, sẽ rất khó để tìm một bài học, kiểm duyệt hiệu quả và học.
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM) tập huấn dạy học trực tuyến. Ảnh: TẤN THẠNH
Cần giáo án, kỹ năng sư phạm online
Vẫn có nhiều phụ huynh ủng hộ giải pháp giảng dạy trực truyến này trong mùa dịch và cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam áp dụng phương thức học tập này như các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc học trực tuyến chưa thể hiệu quả vì học sinh Việt Nam thiếu chủ động, không quen tự học, tự nghiên cứu. ThS Nguyễn Văn Hà, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, cho rằng: "Phải nhìn nhận nhiều khía cạnh, trong đó học sinh đã quen với lối học truyền thống, chỉ cần bám sát bài giảng thi đã đạt điểm cao. Thứ hai, có nhiều môn và bài tập các môn cũng nhiều. Thêm vào đó là áp lực thi cử không khuyến khích người học tự tìm tòi, tự học" - ông Hà nhìn nhận.
Trong bối cảnh giáo dục trực tuyến được thực hiện như một giải pháp tình thế, giáo dục Việt Nam chưa tập huấn, hướng dẫn kỹ năng cho giáo viên, những người đã quen với phương pháp giáo dục truyền thống, không quen nhìn ống kính. Điều này sẽ khó đem lại hiệu quả cho phương pháp giáo dục hiện đại này. Theo TS tâm lý Đặng Lê Hòa An, muốn giáo dục trực tuyến thành công, điều đầu tiên phải quan tâm là sự chuẩn bị thật kỹ về giáo án, nội dung, phương pháp sư phạm, khả năng tương tác của giáo viên đối với máy quay/học sinh.
Theo hiệu trưởng một trường THPT tại TP HCM, hiện còn có sự thiếu chủ động ở học sinh, thiếu sắp xếp, quản lý bài giảng, các tính năng điểm danh, gửi hình ảnh, trao đổi... ở các phần mềm. Còn rất nhiều vấn đề của giáo dục trực tuyến cần phải hoàn thiện để trở thành phương thức giảng dạy hiệu quả trong tương lai.
Người dạy cần thay đổi
TS Hòa An nhận định khi công cụ thay đổi thì chính người dạy phải thay đổi để có thể phù hợp, thu hút được sự tập trung theo dõi, học tập của học sinh. Ví dụ, tính mục đích là rất quan trọng nên nếu giáo viên không đặt ra câu hỏi định hướng ngay từ đầu sẽ khó để học sinh tập trung vào suy nghĩ và theo dõi bài giảng.
Bình luận (0)