Theo văn bản của UBND TP HCM, việc không cho phép thực hiện tuyển dụng viên chức vào vị trí kế toán, y tế trường học đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động, công tác của các cơ sở giáo dục và đào tạo (GD-ĐT).
Hiệu trưởng, hiệu phó cũng kiêm nhiệm y tế
Trước đó, từ năm 2015, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP HCM đã yêu cầu tạm dừng tuyển viên chức làm công tác y tế, kế toán tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Tuy nhiên, do những khó khăn, thiếu hụt về nhân sự thực hiện nhiệm vụ y tế, kế toán, từ năm 2017, UBND TP đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại việc tạm dừng tuyển dụng 2 vị trí này nhưng đến nay chưa được chấp thuận. Do vậy, các cơ sở giáo dục công lập phải thực hiện ký hợp đồng lao động trong thời hạn 1 năm để thực hiện nhiệm vụ y tế, tài chính, kế toán. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng này không còn phù hợp theo quy định mới.
Cũng theo UBND TP HCM, việc không cho phép thực hiện tuyển dụng viên chức vào vị trí kế toán đã ảnh hưởng lớn đến công tác tài chính của các cơ sở giáo dục; gây tâm tư, bức xúc với những lao động phải chấm dứt, không được tiếp tục ký hợp đồng lao động. Chính vì vậy, UBND TP HCM kiến nghị Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét chấp thuận cho TP HCM được tuyển dụng 2 vị trí nêu trên.
Thực tế từ năm 2015 đến nay, các trường tại TP HCM gặp muôn vàn khó khăn khi không có định biên y tế, kế toán và thường xuyên trong tình trạng thiếu hụt, chắp vá ở 2 vị trí này. Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 4 tâm tư rằng hầu hết mọi người đều phải kiêm nhiệm thêm công việc dù không có chuyên môn. "Có giai đoạn cao điểm, như dịch Covid-19 thời gian vừa qua, hiệu trưởng, hiệu phó phải kiêm nhiệm luôn công tác y tế" - vị này cho biết.
Các trường học tại TP HCM cần đội ngũ y tế và kế toán có chuyên môn. Ảnh: TẤN THẠNH
Quản lý gần 70 trường nhưng không có cán bộ y tế
Không có nhân viên y tế, kế toán nên phải ký hợp đồng theo cách "ăn xổi ở thì" là cách mà nhiều quận, huyện tại TP HCM đang phải làm. Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 6, cho biết các trường đều phải ký hợp đồng để giải quyết các công việc. Nhưng chính vì dạng hợp đồng, đội ngũ kế toán trường học luôn luôn không ổn định, có năm một trường phải thay đến 4-5 người làm công tác kế toán, rất mất thời gian và lãng phí. Theo ông Uyên, để một kế toán làm quen công việc phải mất vài tháng. Mặt khác, nhân viên làm công tác này tại các trường ở TP HCM rất nhiều việc. "Các trường đều học 2 buổi, tổ chức bán trú, các hoạt động dạy kỹ năng sống, tin học, ngoại ngữ đều phải liên quan tính toán, tài chính. Người không có chuyên môn, nghiệp vụ thì không làm được. Người có chuyên môn vào làm nhưng không có định biên trong trường học nên họ chán nản, dễ bỏ việc để đi tìm một chỗ làm ổn định hơn" - ông Uyên nói.
Trong khi đó, với nhân viên y tế, hiện nay tại các trường hầu hết là do nhân viên kiêm nhiệm. Cũng theo ông Uyên, nhân viên phải kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ y tế phần lớn không có chuyên môn. "Trong khi mỗi lớp sĩ số từ 40-45 học sinh, mỗi trường toàn trên 30 lớp. Không có chuyên môn sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh, mà việc này vô cùng quan trọng" - ông Uyên bày tỏ.
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, cho rằng nhân viên y tế và kế toán đáng lẽ là 2 vị trí không thể thiếu trong mỗi trường học. Nhưng không hiểu vì sao Bộ GD-ĐT lại không tham mưu, đề xuất với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương và các trường. Thực tế từ quận Tân Bình, theo ông Huy, Phòng GD-ĐT quận quản lý gần 70 trường từ mầm non đến THCS nhưng không có một cán bộ chuyên trách y tế cấp phòng. Rửa vết thương bằng ôxy già thì ai cũng có thể làm được nhưng chẳng may gặp trường hợp phức tạp, tai nạn bất ngờ thì sẽ không có ai dám đứng ra xử lý vì không đủ chuyên môn.
Không thể phó mặc cho y tế phường
Theo ông Trần Khắc Huy, việc TP kiến nghị được tuyển dụng 2 vị trí kế toán và y tế trường học là hợp lý và cần thiết. Nhiều sai phạm tài chính trong trường học xuất phát một phần từ việc trường không có kế toán hoặc người làm kế toán không có chuyên môn. Trong khi đó, hiện nay lý do đã có nhân viên y tế các phường phụ trách thêm trường học là không phù hợp. Với những tình huống bất ngờ, nhân viên y tế phường có xuất hiện kịp thời không. Hơn nữa, với những phường có đông trường đóng trên địa bàn, sẽ không thể bao quát hết được.
Bình luận (0)