Trao đổi với Báo Người Lao Động ngày 7-5, TS Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam nhận định Bộ GD-ĐT cho rằng việc này là đúng luật giáo dục đại học, nhưng trên thực tế không phải luật lúc nào cũng đúng. Có những cái trước đây thì phù hợp, nhưng cuộc sống thay đổi không ngừng nên nó những quy định ấy đã lạc hậu. Giáo dục mấy năm gần đây có rất nhiều đổi mới, nghị quyết 19 Hội nghị trung ương 6 đã nêu rõ Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất trong nhà trường. Cần phải tôn trọng ý kiến của họ.
"Ở đây nhà hội đồng trường đã có ý kiến thì tôi nghĩ cơ quan quản lý cần phải cân nhắc, xem xét. Đúng là đúng luật nhưng những quy định đã lạc hậu thì phải điều chính cho phù hợp thực tiễn. Luật Giáo dục ĐH nên tăng quyền tự chủ cho các trường và quy định hiệu trưởng phải có 5 năm làm công tác quản lý ở các khoa" – TS Khuyến nêu quan điểm.
Theo chuyên gia này, cơ quan quản lý nhà nước nên có thay đổi tư duy, chứ nếu chỉ bám theo những quy định cứng và chính sách không đi vào cuộc sống thì thiệt thòi cho giáo dục Việt Nam, đất nước Việt Nam. Nói thêm về trường hợp của GS Thành, TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh: "Cần phải sửa luật, hoặc là trình cơ quan cấp cao hơn để có hướng xử lý đối với những trường hơp đặc biệt".
Trong khi đó, phản hồi những ý kiến về trường hợp GS Thành, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng khi sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH, các chuyên gia đã đặt vấn đề thay đổi quy định này.
GS Trương Nguyện Thành
Theo Điều 20 Luật Giáo dục ĐH hiện hành, hiệu trưởng phải đảm bảo các tiêu chuẩn: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lí và đã tham gia quản lí cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục ĐH ít nhất 5 năm, có trình độ tiến sĩ đối với trường ĐH, giám đốc học viện, đại học, có sức khỏe tốt. Ở 3 dự thảo đầu của Luật Giáo dục ĐH đang được sửa đổi, bổ sung, ban soạn thảo quy định nội dung trên theo hướng mở, theo đó, hiệu trưởng cần có "phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín khoa học, có năng lực quản lý, quản trị giáo dục đại học".
Năng lực quản lý, quản trị giáo dục ĐH này sẽ do hội đồng trường, hội đồng quản trị xác định, lựa chọn mà không cần phải có 5 năm kinh nghiệm làm trưởng khoa. Tuy nhiên, qua tổ chức lấy ý kiến tại 5 hội thảo ở 5 vùng (Thái Nguyên, Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ, với thành phần tham gia là đại diện các trường đại học, chuyên gia giáo dục, doanh nghiệp…), nhiều ý kiến cho rằng không nên hạ thấp tiêu chuẩn tại điểm a, khoản 2, điều 20 của luật hiện hành. Quy định trên tại dự thảo lần thứ ba chưa rõ, cần định lượng cụ thể.
Theo bà Phụng, tiếp thu ý kiến góp ý, từ dự thảo lần thứ tư, ban soạn thảo tiếp tục quy định: "Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín khoa học, có kinh nghiệm tham gia quản lí giáo dục đại học ít nhất 5 năm từ cấp khoa, phòng, ban trở lên". Ở dự thảo lần thứ tư và năm đến nay, không có ý kiến góp ý về nội dung này. Tuy nhiên, bà Phụng cũng cho rằng, đây mới chỉ là dự thảo, những nội dung thay đổi sẽ tiếp tục được xin ý kiến Quốc hội.
Bình luận (0)