Do điều kiện kinh tế không cho phép hoặc Tết nguyên đán không trùng kỳ nghỉ, các du học sinh đành ở lại ăn cái Tết ở xứ người với nỗi niềm vui, buồn lẫn lộn.
Muôn màu du học sinh ăn Tết xa xứ
Bánh chưng và những món ăn tự chế từ lò vi sóng của nhóm bạn Hoàng My
Bạn Hoàng My (20 tuổi, sinh viên ĐH Monash-Úc) cho biết du học nhiều năm nhưng bạn chỉ vài lần đón Tết xa xứ do ngày Tết cổ truyền thường trùng vào dịp nghỉ hè, về quê. Tuy vậy, My vẫn nhớ như in cảm giác ăn Tết xa nhà vào những ngày đầu chân ướt chân ráo tới Melbourne. “Vào đêm giao thừa, những đứa con xa quê cùng tụ tập, cắn hạt hướng dương, tâm sự, cười đùa rồi chạy ra ngoài đường đốt pháo que cho khuây khoả phần nào nỗi nhớ nhà”.
My cho biết ở Úc, luật khá nghiêm nên các du học sinh dưới 18 tuổi không được sử dụng bếp mà chỉ dùng lò vi sóng. Thế là, các món ăn tự chế từ lò vi sóng ra đời. Nào là cá ngừ đóng hộp trộn sốt mayonnaise, sốt cà chua, rồi xúc xích “vi sóng”, xôi “vi sóng”... “Đặc biệt nhất là mấy đứa tích góp mua được hai cái bánh chưng và một cây giò lụa. Ăn uống chỉ thế thôi mà đối với những đứa con xa quê là vui lắm rồi!” - My kể.
Khác với ở Úc, ngày Tết Việt ở Nga lại rơi vào mùa thi của các du học sinh. Bạn Nguyễn Tấn Ngộ (25 tuổi, sinh viên năm 5 chương trình thạc sĩ tại Đại học Bách Khoa Xanh-Petecbua - Nga) cho biết bạn đã ăn Tết ở Nga 6 năm. Vào dịp này, các bạn tổ chức ăn Tết theo nhóm nhỏ hoặc tham gia hội du học sinh người Việt trong trường (tầm 60 - 70 người). “Đêm giao thừa, tụi mình tụ tập ở nhà hàng Việt hoặc thuê mặt bằng, cùng nhau gói bánh chưng, canh nồi bánh chưng, luộc gà, nấu canh măng, nem nướng và có chả, nuộm…. rất vui và có không khí Tết” - Tấn Ngộ kể.
Bạn Tấn Ngộ (thứ 4) đón Tết cùng các sinh viên Việt Nam tại Nga
Đúng giờ giao thừa (bên Nga khoảng 9 giờ tối), nhóm sinh viên mở ti vi và cùng nhau hô hào thời khắc đón năm mới.
Từ Nhật, bạn Trần Ngọc Đăng (26 tuổi), sinh viên Ths Khoa học y khoa, ĐH Tsukuba - Nhật Bản, chia sẻ bạn từng đón một cái Tết cổ truyền ở nước ngoài. Tết Giáp Ngọ này là cái Tết thứ hai Đăng xa quê. Năm ngoái, Đăng đón Tết cùng hơn 100 anh chị người Việt đang học tập và làm việc tại Tsukuba.
“Mình đã làm người dẫn chương trình trong bữa tiệc đón Tết ở Nhật và cùng hai anh nữa hát bài Trở về của nhóm Bức Tường. Bài hát như nói hộ tâm trạng của 3 anh em: Dù ở bất cứ nơi đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vào dịp Tết, những người con xa quê đều dành những tình cảm thiêng liêng hướng về quê nhà, mong muốn được trở về sum họp cùng gia đình và bạn bè” - Đăng nói.
Món Việt trong tiệc tất niên của nhóm người Việt tại Tsukuba - Nhật (phải) và pháo của du học sinh Nga
Dù khá bận rộn nhưng mọi người cũng kịp chuẩn bị một vài món ăn truyền thống Việt Nam: Bánh chưng, gỏi gà, nem ráng và phở. Chàng sinh viên quê Quảng Nam cũng cho biết Tết Quý Tỵ nhằm tháng 2 dương lịch, là mùa đông ở Nhật Bản. “Mình quyết định đi trượt tuyết cho đỡ nhớ nhà. Chào đón năm mới dưới tuyết là một cảm giác thật sự rất lạ và khó quên trong đời” - Đăng nói.
Ngọc Đăng đang "phiêu" trong buổi văn nghệ
Ngoài việc ăn Tết với các đồng hương, nhiều du học sinh còn có dịp ăn Tết với người bản xứ. Bạn Trương Duy, du học sinh từ Singapore, kể: “Tết Quý Tỵ, mình được mời tham gia giao thừa ở nhà một người bản xứ. Họ đón tiếp mình rất tử tế và nồng hậu, cứ như mình là một thành viên trong gia đình. Mọi người ăn cỗ và chúc Tết nhau rất vui. Mình còn được một cụ tặng cho bao lì xì nữa.
Vẫn nghẹn ngào khi đối diện bốn bức tường
Tuy đều trải qua những giây phút vui vẻ cùng bạn bè trong ngày Tết xa xứ nhưng các du học sinh vẫn đau đáu nỗi nhớ gia đình, quê nhà ở những khoảng lặng. Bạn Ngọc Đăng kể sau bữa tiệc đón Tết cổ truyền, bạn lặng lẽ về nhà. “Mình chế một gói mì tôm và đón giao thừa. Lúc này, khi phải đối diện với bốn bức tường và thực tại đang ở đất khách, mình cảm thấy chạnh lòng. Giờ này nếu ở nhà có lẽ mình đang phụ cha mẹ dọn đồ cúng giao thừa, rồi sau đó sẽ đi xem pháo hoa, đi lễ chùa…. Nghĩ đến đó, nỗi nhớ quê càng thêm da diết” - Đăng ngậm ngùi.
Còn theo bạn Tấn Ngộ, thời gian bạn thấy nhớ nhà nhất là năm đầu tiên đón tết xa quê. “Lúc gần đến giao thừa, điện thoại về nhà mà giọng mình nghèn nghẹn. Nhớ nhà kinh khủng !”.
Còn với Hoàng My, nỗi buồn xa quê ngày Tết không chỉ là “chợt nhớ đến bố mẹ hay nhìn hình ảnh nhà mình sắm Tết, mua cây mai cây đào là mắt cứ nhoè hết đi”. Tết xa xứ 3 năm trước còn gắn với My một kỷ niệm buồn. “Sáng mồng 2 Tết năm đó, mình nhận được điện thoại từ bố. Bố nói rằng bà ngoại mình đã mất vài giờ trước. Điều kiện không cho phép mình về gặp bà lần cuối, mình rơi vào khủng hoảng nặng. Học hành xuống dốc, đó là những đêm trắng nước mắt ướt đẫm gối” - My nhớ lại.
Bánh chưng, chả lụa, chả giò.... là những món ăn dân dã Việt Nam xuất hiện trong hầu hết các bữa tiệc của du học sinh
Tuy buồn vì xa quê là thế, nhưng các du học sinh luôn biết cách tự an ủi bản thân, cố gắng vượt qua để học tốt. “Buồn thì thực sự rất buồn, nhưng mình cũng tự nhủ lòng phải cố gắng hơn nữa. Hoa anh đào muốn mùa xuân nở hoa thật đẹp thì trước đó, vào mùa đông, nó phải trải qua đợt lạnh thấu xương. Con người cũng vậy, muốn thành công phải qua tôi luyện. Mình sẽ cố gắng học tập và làm việc thật tốt. Sau này về Việt Nam, mình sẽ đem kiến thức học được đóng góp xây dựng quê nhà. Lúc đó, mình sẽ ăn Tết thật to, thật nhiều bù lại những ngày ăn Tết xa quê” - Ngọc Đăng nói.
Tấn Ngộ cũng cho biết năm nay lại bạn lại lần nữa đón Tết cổ truyền ở Nga. Tuy buồn nhưng bản thân quen với cuộc sống tự lập, xa nhà, xa quê hương nên bạn sẽ cố gắng vượt qua, học tốt.
“Mình quyết định đi trượt tuyết cho đỡ nhớ nhà".
Lời chúc Tết của du học sinh
Hoàng My: “Năm nay, kỳ nghỉ hè lại trùng vào Tết âm lịch của Việt Nam. Mình sẽ lại được diện áo dài đứng cạnh cây mai chụp hình, đi coi pháo hoa, háo hức nhận tiền lì xì (dù tuổi không còn nhỏ nữa rồi) và ăn những món mẹ nấu. Mình xin gửi lời chúc đến mọi người có được một cái Tết đầm ấm và sum họp”.
Ngọc Đăng: “Năm nay mình lại tiếp tục đón tết Giáp Ngọ ở Nhật và rất có thể mình còn phải đón thêm 3 cái tết xa quê nữa. Nhân dịp năm mới Giáp Ngọ, mình cầu mong cho ông bà cha mẹ, người thân, bạn bè, tất cả mọi người ai cũng có cuộc sống khỏe mạnh, ấm no, hạnh phúc”.
Tấn Ngộ: “Mình xin gởi lời chúc sức khỏe đến cha mẹ, em gái mình cùng bà con, họ hàng. Chúc cho mọi người đón tết vui vẻ, tràn trề sức khỏe, thành công trong năm mới”.
Trương Duy:“Mình muốn nhắn nhủ tới những bạn đang cùng hoàn cảnh phải ăn Tết xa quê rằng các bạn còn buồn, còn nhớ là còn tốt, đừng để cảm xúc chai đi. Rồi bạn sẽ sớm được trở về sum vầy bên gia đình và người thân đón năm mới thôi. Chúc mọi người ăn một cái Tết xa xứ vui vẻ và ấm cúng!"
Xem những hình ảnh du học sinh ăn Tết ở nước ngoài:
Bình luận (0)