Sáng 30-6, các hội đồng thi trên cả nước đã mở cửa đón thí sinh (TS) đến làm thủ tục dự thi THPT quốc gia 2016. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết tổng số TS đến làm thủ tục dự thi là 871.362, đạt tỉ lệ 98,22% (cụm thi tốt nghiệp: 251.799 TS, đạt 98,43%; cụm thi ĐH: 619.563 TS, đạt 98,1%).
Giảm sai sót phải chỉnh sửa
Năm nay, số TS sửa sai sót trong hồ sơ dự thi không nhiều. “Do các trường dùng chung dữ liệu phần mềm của Bộ GD-ĐT nên gặp rất ít lỗi. Mặt khác, năm nay, TS có nhiều thời gian để chỉnh sửa thông tin trước đó” - đại diện một hội đồng thi cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Trung, Ủy viên thường trực hội đồng thi tại cụm thi Trường ĐH Sư phạm TP HCM, thông báo có 96% TS đến làm thủ tục dự thi. Việc chỉnh sửa hồ sơ không nhiều, chủ yếu là sai sót họ tên, địa chỉ. Một số TS đề nghị đổi chứng minh nhân dân (CMND) do được cấp CMND mới.
Tiến sĩ Mỵ Giang Sơn - Trưởng Phòng Đào tạo, Phó Chủ tịch Hội đồng thi Trường ĐH Sài Gòn - cho biết sáng 30-6, số TS có mặt làm thủ tục dự thi đạt tỉ lệ 98,5%. Tại cụm thi này xuất hiện 2 trường hợp trùng tên nên nhầm ảnh, được hội đồng thi kịp thời xử lý.
Số TS làm thủ tục dự thi tại cụm thi Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đạt tỉ lệ 95,73%. Trong đó, 3-4 TS đến chỉnh sửa sai sót về điểm nghề ưu tiên xét tốt nghiệp. “Trung tâm giáo dục thường xuyên bảo chỉ cần bằng tạm thời sẽ được cộng điểm nhưng em nộp thì không thấy cộng điểm. Giờ có bằng gốc, em bổ sung tại hội đồng thi. Tuy nhiên, hội đồng thi thông báo theo quy định phải về lại trường chỉnh sửa do trường ĐH không được sửa chữa các dữ liệu về tốt nghiệp” - một TS cho biết.
Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, tỉ lệ TS đến làm thủ tục dự thi đạt 96%. Số TS phải điều chỉnh do sai sót không nhiều, chỉ khoảng 100 trường hợp. Tiến sĩ Hạ lưu ý TS cần để ý phòng thi của mình vì phòng thi không cố định trong suốt các môn thi.
Tại các cụm thi nêu trên, những sai sót nhỏ như số CMND, giới tính, họ tên... được đối chiếu chỉnh sửa ngay tại điểm thi. Tiến sĩ Mỵ Giang Sơn cho biết phần nhiều sai sót còn do chính TS ghi sai. Trong trường hợp sai sót về điểm ưu tiên, hình ảnh, mã ngành..., TS về cơ sở chính để được hướng dẫn xử lý.
Tại cụm thi 45 (do Trường ĐH Nông Lâm TP HCM chủ trì tại Gia Lai), 8.205 TS đã có mặt làm thủ tục dự thi, đạt tỉ lệ 98,18%. Số không đến làm thủ tục chủ yếu là TS tự do. Theo ghi nhận tại cụm thi, tình hình cơ sở dữ liệu năm nay khá chuẩn, ít sai sót.
Tại cụm thi tỉnh Tây Ninh do Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM chủ trì, sáng 30-6, số TS có mặt làm thủ tục dự thi là 7.610 trên tổng số 7.843 TS đăng ký, đạt tỉ lệ 97,03%.
Giải quyết sự cố, chống gian lận thi cử
Tại Hà Nội, nhiều TS gặp sự cố như mất giấy tờ, bị tai nạn. Tại điểm thi Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cụm thi Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, một TS bị mất toàn bộ giấy tờ gồm thẻ dự thi, CMND. TS này là trung sĩ Đỗ Văn Hảo, SN 1995, công tác tại Công an TP Hà Nội. Hảo đã phải làm giấy cam kết với hội đồng thi. Trong các ngày tiếp theo, TS phải có giấy tờ của đơn vị, đồng thời có sự theo dõi chặt chẽ của hội đồng thi như người đi kèm, chụp ảnh trước và sau khi thi. Theo quy chế thi của Bộ GD-ĐT, TS bị mất CMND hoặc các giấy tờ cần thiết khác phải báo ngay cho trưởng điểm thi để xem xét, xử lý.
Cụm thi tại Bình Thuận có TS bị viêm ruột thừa phải mổ. Cụm thi Trường ĐH Sư phạm TP HCM có 1 TS bị gãy tay. Tại điểm thi Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM cũng có 2 TS gãy tay. Các hội đồng thi đã có phương án hỗ trợ, cử người viết thay và giám sát kỹ lưỡng.
Trao đổi với báo chí ngày 30-6, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết cả nước có 134 đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi THPT quốc gia 2016. Trong đó, 120 đoàn thanh tra ở cụm thi và 14 đoàn thanh tra lưu động của Bộ GD-ĐT. Ông Bằng cho hay mục đích của các đoàn thanh tra là tạo ra môi trường nghiêm túc, không căng thẳng để giúp cho hội đồng thi, những người làm công tác thi hoàn thành nhiệm vụ. Đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT sẽ đến những điểm thi trong trường hợp cần thiết dù mỗi cụm thi đều có đoàn thanh tra của Sở GD-ĐT cắm chốt.
Đối với việc phòng ngừa các thiết bị công nghệ thông tin tinh vi hiện nay, ông Bằng cho biết thanh tra bộ đã làm việc với A83 về hình thức gian lận này. Đồng thời, bộ cũng đã nhắc nhở tập huấn kỹ giám thị về thực hiện đúng quy chế, cần làm tốt trách nhiệm của mình nhưng không tạo ra không khí căng thẳng, tránh xảy ra tiêu cực trong phòng thi.
Đón xem gợi ý giải đề thi
Kỳ thi THPT quốc gia 2016 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 4-7. Ngày 1-7: sáng thi toán, chiều thi ngoại ngữ. Ngày 2-7: sáng thi ngữ văn, chiều thi vật lý. Ngày 3-7: sáng thi địa lý, chiều thi hóa học. Ngày 4-7: sáng thi lịch sử, chiều thi sinh học. Ngay sau mỗi môn thi, Báo Người Lao Động sẽ đăng nhận định về đề thi của giáo viên có uy tín, tổ chức các bài giải gợi ý các môn thi tại địa chỉ: tuyensinh.nld.com.vn. Mời bạn đọc đón xem.
bên lề
Tấm lòng người thầy
Một thầy giáo ở Đà Nẵng đã tổ chức chương trình hỗ trợ chỗ ở và ăn trưa cho TS thi ĐH tại khu vực Hòa Khánh với chỗ nghỉ trưa (có máy điều hòa) cho khoảng 100 TS, chỗ ôn bài thi (có máy điều hòa) cho khoảng 100 TS; phục vụ cơm trưa miễn phí cho khoảng 100 TS. TS nào ở quá xa khu vực thi có thể đăng ký ở lại để ôn thi dài ngày.
Thầy giáo này (xin giấu tên) bày tỏ với Báo Người Lao Động: “Đó là điều bình thường mà bất kỳ người dân nào cũng có thể làm. Tôi chỉ giúp đỡ các em bằng tất cả tấm lòng của người thầy, chứ không có mục đích vụ lợi hay gì khác”. Được biết, ông là cựu giảng viên của ĐH Đà Nẵng. L.Thoa
Chăm lo chu đáo cho TS khó khăn
Năm nay, học sinh (HS) các trường THPT tại huyện Củ Chi, TP HCM sẽ dự thi tại các địa điểm thi do Trường ĐH Bách khoa TP HCM tổ chức. Các điểm thi này ở khu vực nội thành nên việc đi lại của TS Củ Chi gặp nhiều khó khăn.
Theo thầy Nguyễn Văn Cải, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi), năm nay, do TS thi ở nhiều địa điểm xa nhau, nếu tổ chức xe đưa rước chung thì sẽ không kịp giờ. Vì vậy, sau khi ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm trao đổi với HS và phụ huynh, tất cả 260 HS lớp 12 của trường đều do cha mẹ hoặc người thân đưa đón đi thi.
“Ban giám hiệu cũng gặp gỡ riêng 27 HS lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn để lắng nghe và chia sẻ, giúp đỡ các em đi thi, cấp học bổng cho các em khó khăn từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng, tùy hoàn cảnh” - ông Cải cho biết.Đ.Trinh
Xin xét đặc cách tốt nghiệp THPT do ngộ độc thực phẩm
Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết trước giờ TS tập trung làm thủ tục dự thi, người nhà của một TS đăng ký dự thi tại cụm thi ĐH Đà Nẵng đã đến báo em này bị ngộ độc thực phẩm và xin được xét đặc cách tốt nghiệp THPT.
Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã hướng dẫn người nhà TS nêu trên trước buổi thi môn đầu tiên vào ngày 1-7 phải đến hội đồng thi để xác nhận tình hình sức khỏe của em này có bảo đảm để dự thi hay không. Nếu không đủ sức khỏe dự thi, phải tiếp tục nằm viện điều trị, TS sẽ được đặc cách tốt nghiệp khi có đủ điều kiện để được xét (có đầy đủ hồ sơ xác nhận tình trạng sức khỏe của cơ sở y tế; kết quả học tập và hạnh kiểm trong năm học đạt loại khá trở lên). Q.Châu
Bình luận (0)