Trước hết là sự ngạc nhiên về đề thi môn toán quá khó. Kết quả là có đến 951 thí sinh (có nơi báo cáo là 830 thí sinh) có điểm 0. Nếu đây là điểm 0 thật (không do yếu tố khác) thì quả thật là một "hiện tượng" rất hiếm, vì với 50 câu và mỗi câu có 4 lựa chọn thì xác suất sai cho mỗi câu hỏi là 3/4. Xác suất một thí sinh sai tất cả 50 câu phải là 0.0000005663, nếu tất cả câu hỏi độc lập nhau. Với gần 1 triệu thí sinh, chúng ta kỳ vọng có 5 thí sinh có điểm 0. Nhưng trong thực tế có đến 951 thí sinh điểm 0. Sự thật này là tín hiệu cho thấy đề thi có vấn đề.
Phân bố điểm thi môn toán, lý, hóa và sinh cho cả nước, so sánh với Bạc Liêu, Cần Thơ, Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La. Chú ý những chỗ nhô lên của phân bố thuộc tỉnh Hà Giang, đó là những tín hiệu bất thường
Nhưng phân bố điểm môn toán ở một số tỉnh có vẻ bất thường. Tính chung cả nước, phân bố điểm môn toán của 3 tỉnh (chỉ là ví dụ) Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình có vẻ rất lệch so với phân bố của cả nước. Hình 1 cho thấy ở những ngưỡng điểm cao, số thí sinh ở 3 tỉnh trên có vẻ cao hơn bình thường. Hình 2 cung cấp thêm chứng cứ cho thấy phân bố điểm tiếng Anh ở Hà Giang cũng có vẻ bất thường, nhất là ở ngưỡng điểm cao.
Phân bố điểm thi môn văn, tiếng Anh, sử và địa cho cả nước, so sánh với Bạc Liêu, Cần Thơ, Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La. Chú ý những chỗ nhô lên của phân bố môn tiếng Anh thuộc tỉnh Hà Giang, đó là những tín hiệu bất thường
Thật vậy, tính chung cả nước, chỉ có 0,056% thí sinh có điểm môn toán bằng hay cao hơn 9. Nhưng ở Hà Giang, tỉ trọng này là gần 1,8% (tức cao hơn tỉ trọng cả nước đến 32 lần). Tương tự, tỉ trọng thí sinh ở Hòa Bình và Sơn La có điểm môn toán cao (9 điểm trở lên) cũng cao hơn tỉ trọng cả nước và những khác biệt này có ý nghĩa thống kê (xem bảng phân tích).
Khi phân tích phân bố điểm môn lý và hóa, một xu hướng tương tự như môn toán cũng xuất hiện. Ba tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình một lần nữa có phân bố rất khác so với cả nước. Ở ngưỡng điểm thấp, số thí sinh 3 tỉnh này khá cao. Nhưng ở ngưỡng điểm cao, số thí sinh của 3 tỉnh cũng cao! Chẳng hạn ở Hà Giang, gần 9,5% thí sinh có điểm môn lý bằng hay cao hơn 9 và tỉ trọng này cao gấp 73 lần so với tỉ trọng cả nước!
Tuy nhiên, khi so sánh phân bố của cả nước và 2 tỉnh, thành miền Tây là Cần Thơ và Bạc Liêu thì không có sự khác biệt đáng kể. Thật ra, tỉ trọng thí sinh có điểm môn toán, lý và hóa cao thuộc 2 tỉnh, thành này thấp hơn một chút so với tỉ trọng của cả nước.
Trên đây, tôi chỉ phân tích cho 2 nhóm tỉnh mà tôi có số liệu gốc. Nhưng không có lý do gì để nói rằng những điểm bất thường chỉ xảy ra ở 3 tỉnh miền núi phía Bắc; rất có thể nếu phân tích chi tiết cũng có thể hiện diện ở các tỉnh, thành khác. Chẳng hạn như môn văn, tỉ lệ thí sinh Cần Thơ có điểm cao (>9) là 0,60%, cao gần gấp 3 lần so với trung bình cả nước. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, khi phân tích chung thì điểm môn tiếng Anh của thí sinh Cần Thơ chỉ cao hơn trung bình cả nước đúng 0,4 điểm! Những kết quả này cho thấy dựa vào trung bình rất khó có thể phát hiện những trường hợp cá biệt của từng tỉnh, thành.
Những kết quả phân tích trên cho thấy công chúng có lý do nghi ngờ độ tin cậy và độ chính xác của kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Độ tin cậy thấp phản ánh qua những khác biệt trong mỗi tỉnh, thành. Độ chính xác phản ánh qua những bất thường về phân bố điểm.
Nhu cầu kiểm tra toàn bộ các tỉnh, thành là có thật. Có thể chọn ngẫu nhiên mỗi tỉnh, thành một số phần trăm (như 5% hay 10%) trường hợp và thẩm định cho kỹ xem có những bất cập nào và xảy ra từ khâu nào. Mặt khác, cần phải phân tích như tôi đã làm cho tất cả tỉnh, thành trên cả nước và dùng kết quả này để tập trung thẩm định lại những trường hợp mà kết quả phân tích cho là đáng nghi ngờ. Việc làm này đơn giản, không tốn nhiều thì giờ, giúp cho việc tái thẩm định chính xác và hữu hiệu hơn.
Bình luận (0)