Chỉ lo học để thi
Thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho biết hằng năm, TP HCM có 55.000 sinh viên (SV) các trường ĐH, CĐ tốt nghiệp. Nếu tính cả học sinh trung cấp, công nhân kỹ thuật, đào tạo ngắn hạn thì có khoảng 180.000 người. Trong đó có khoảng 80% SV ra trường tìm được việc làm đúng trình độ đào tạo; số còn lại tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc làm, phải làm công việc thấp hơn trình độ được đào tạo. Lý giải vấn đề này, thạc sĩ Trần Anh Tuấn cho rằng nhu cầu tuyển dụng giảm cũng là một nguyên nhân nhưng cái chính là SV thiếu kỹ năng thực tế, không thuyết phục được nhà tuyển dụng.
Ông Phạm Minh Tuấn - Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Tân Hiệp Phát - cho biết không những thiếu các kỹ năng cần thiết, đa số SV hiện nay không có mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng. “Đầu năm 2013 đến nay, tôi đã tiếp khoảng 2.500 SV đến tham quan, tìm hiểu doanh nghiệp nhưng chưa có SV nào cho tôi biết mục tiêu nghề nghiệp của mình là gì, kế hoạch nghề nghiệp ra sao. Hầu như các bạn khi đi học chỉ lo thi cho có điểm. Kết quả phỏng vấn chỉ chọn được tỉ lệ khoảng 1/15 người nhưng 90% trong số đó không trả lời được tại sao lại chọn xin việc tại công ty, họ chỉ biết công ty có việc làm để họ vào làm việc là nộp hồ sơ” - ông Tuấn nói.
Bà Trương Tứ Muối, Giám đốc Trung tâm Tư vấn dịch vụ phát triển kinh tế Chợ Lớn, cho biết doanh nghiệp kỳ vọng SV tốt nghiệp ngoại ngữ có khả năng giao tiếp tốt nhưng khi cần các em giới thiệu danh lam thắng cảnh Việt Nam, giới thiệu về doanh nghiệp thì các em rất ấm ớ.
Thách thức lớn khi hội nhập
TS Nguyễn Đức Nghĩa khẳng định: Yêu cầu cao nhất của SV sau khi ra trường là kiến thức nghề nghiệp phải vững nhưng cái yếu lớn nhất của các trường ĐH ở Việt Nam là thực hành và bản lĩnh cùng sự tự tin của SV chưa cao. TS Nghĩa cũng nhận định hiện tại chương trình đào tạo ĐH quá đặt nặng dạy lý thuyết, điều kiện thực hành chưa được chú trọng. Hiện nay, số tiết thực hành ở các trường ĐH chỉ đạt 15%.
Phải có ý thức tự học, rèn luyện TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác SV ĐH Quốc gia TP HCM, cho rằng hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa là xu thế tất yếu. Xu thế này sẽ tạo ra thị trường lao động toàn cầu, công dân toàn cầu và thanh niên toàn cầu. Để thanh niên tự tin hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ từ nhà trường, từng cá nhân sinh viên phải không ngừng tự học, rèn luyện, tự tu dưỡng, tự chịu trách nhiệm để trang bị cho mình kỹ năng, kỷ luật, có tác phong của lao động chất lượng cao. |
Bình luận (0)