Đó là lời nhắn nhủ của các thầy cô giáo đến sinh viên ngành sư phạm - nhà giáo tương lai - tại buổi tọa đàm “Tiếp lửa lòng yêu nghề” do Trường ĐH Sư phạm TP HCM tổ chức ngày 18-11.
Tự ái để phấn đấu
Nguyễn Trí Hậu, sinh viên Khoa Khoa học giáo dục, thẳng thắn nêu thực trạng hiện nay, nhiều sinh viên dù sắp ra trường nhưng sức ì vẫn quá lớn. Các sinh viên này tự cô lập mình, không tham gia bất cứ phong trào gì của trường, đoàn, hội. Theo sinh viên Hậu, nhà giáo phải luôn năng động, nếu chỉ giỏi kiến thức chuyên môn thôi thì chưa đủ.
Đồng quan điểm, Dương Trần Hà Phương, sinh viên năm 4 Khoa Công nghệ thông tin, chia sẻ: Nhiều sinh viên cho rằng làm cán bộ đoàn, lớp chỉ khiến mất thời gian nhưng thật ra, các em được trau dồi rất nhiều về kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp, phương pháp làm việc nhóm. Hà Phương từng rất nhút nhát nhưng chính việc tham gia tích cực các hoạt động đoàn thể đã giúp em mạnh dạn, tự tin hơn.
Có cơ hội đi dự một hội nghị khoa học quốc tế, chứng kiến sinh viên các nước tự tin báo cáo nghiên cứu khoa học trong khi sinh viên Việt Nam ngồi im, Hà Phương nhận xét: “Thầy cô giáo muốn làm tốt công việc của mình thì cần biết tự ái để phấn đấu, phải tìm tòi kiến thức không những ở trường lớp mà phải ở ngoài, xem mình làm đã được như người ta chưa để không ngừng rèn luyện”.
Lấy chính câu chuyện từ bản thân vì thiếu tiếng Anh mà mất rất nhiều cơ hội, thầy giáo trẻ Quách Văn Toàn Em, giảng viên Khoa Sinh học Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết: Học ngoại ngữ và trau dồi các kỹ năng mềm không những giúp sinh viên sư phạm có cơ hội phát triển nghề nghiệp mà còn làm tốt vai trò của giáo viên tương lai; không chỉ dạy chữ, dạy người mà còn định hướng cho sự phát triển tương lai của học sinh.
Truyền cho học sinh lòng yêu nghề
Thầy Huỳnh Trung Phong - giảng viên Khoa Giáo dục thể chất, Trường ĐH Sư phạm TP HCM - nhận định nhà giáo là nhân tố quan trọng trong mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục. Chính vì thế, các sinh viên ngành sư phạm và bản thân từng nhà giáo phải thật sự là nguồn nhân lực chất lượng. Muốn thế, không gì hơn là từng bước học tập, rèn luyện chuyên môn và kỹ năng nhiều hơn.
Còn thầy Quách Văn Toàn Em trong các tiết dạy luôn nhắc học trò rằng không chỉ dạy kiến thức trong nghề mà còn phải biết các kiến thức xã hội khác. Vai trò của nhà giáo tương lai chỉ dạy tốt giáo án thôi chưa đủ, ngoài việc truyền đạt kiến thức còn phải truyền cho học sinh lòng yêu nghề.
“Tất cả học sinh sau này các bạn dạy không phải ai cũng chọn ngành sư phạm nên các bạn phải định hướng như thế nào, có kiến thức như thế nào để tư vấn cho các em” - thầy Toàn Em nhấn mạnh.
Thầy Lê Văn Quốc, Trường ĐH Sư phạm TP HCM, đã hỏi 100 sinh viên thì tất cả đều trả lời rằng yêu nghề nhưng thể hiện tình yêu đó thế nào thì không ít em bối rối. “Chẳng hạn, bảo trình bày một bài giảng mà các em chỉ đọc và đọc thì chưa phải là yêu. Tình yêu ở đây là sản phẩm. Sản phẩm làm sao để hoàn hảo, để hay, thuyết phục. Muốn thế, các em phải dồn hết tâm huyết. Sau này, thứ gắn bó với chúng ta là giáo án, các em có thể sao chép của người khác mà không ai biết nhưng nếu đã yêu nghề thì phải thực hiện bằng sự sáng tạo, tri thức của mình. Thấy học sinh ngơ ngác vì không hiểu thì phải tìm phương pháp truyền đạt khác chứ không phải bỏ qua luôn, học sinh muốn ra sao thì ra” - thầy Quốc nói.
Theo thầy Quốc, trong công cuộc đổi mới giáo dục, không phải cứ có chủ trương thì giáo viên mới thay đổi, còn không thay đổi thì thôi. Ai cũng có thể nói yêu nghề giáo nhưng cần phải cụ thể hóa tình yêu đó bằng hành động chứ không nói suông.
Sinh viên sư phạm lo thiếu việc làm
Nguyễn Ngọc Anh, sinh viên năm 4 Khoa Giáo dục chính trị, tỏ ra lo lắng về việc làm, không biết sẽ làm gì, làm ở đâu, có xin được việc hay không, công việc đó sẽ như thế nào, có như mong đợi hay không... Theo Ngọc Anh, nhiều người ra trường cầm tấm bằng cử nhân, thậm chí là thạc sĩ trên tay nhưng vẫn phải làm trái nghề. Chính vì thế, dù chưa biết ra trường có xin được việc hay không nhưng Anh đã tự trang bị những tri thức, kỹ năng, điều kiện tốt nhất để đi xin việc.
Chia sẻ với trăn trở của Ngọc Anh, PGS-TS Nguyễn Tiến Công - Phòng Khoa học công nghệ và Môi trường, Trường ĐH Sư phạm TP HCM - cho rằng nghề giáo vẫn luôn là nghề vất vả. Mỗi thầy cô giáo phải nhen nhóm tình yêu nghề, làm sao để tia lửa bùng lên thành ngọn lửa. Sinh viên tiếp lửa cho thầy và ngược lại bởi vì lâu nay, sinh viên chọn ngành sư phạm do nể phục hình ảnh của những thầy cô ngày trước. Thực tế có những thầy cô dạy không hay nhưng đã gắn bó với nghề bằng cả tâm huyết và tuổi trẻ.
Bình luận (0)