Không chỉ năm nay mà từ nhiều mùa tuyển sinh trước, nhiều học sinh giỏi đã thẳng thừng từ chối ngành sư phạm. Các cuộc khảo sát thí sinh trong các chương trình tư vấn mùa thi cho thấy sư phạm không nằm trong danh sách các ngành được nhiều thí sinh lựa chọn.
Ngày càng vắng nhân tài sư phạm
PGS-TS Nguyễn Tấn Phát - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), kiêm Giám đốc ĐHQG TP HCM - cho rằng công bằng mà nói, có một bộ phận học sinh thi vào trường sư phạm chỉ vì nhận thức sức học của mình khó đỗ vào những trường có những ngành thời thượng, tỉ lệ chọi rất cao. Một bộ phận khác thấy sư phạm là nơi được miễn giảm học phí, được nhiều học bổng và là nơi bảo đảm ổn định công ăn việc làm...
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Bình Thạnh, TP HCM nhận định những năm gần đây, chất lượng đầu vào của các trường sư phạm có xu hướng giảm, điểm xét tuyển vào các trường khá thấp. Tại các trường sư phạm, một số chuyên ngành mới thành lập đã phải đóng cửa hoặc chuyển sinh viên đã thi đậu sang ngành học khác do không đủ chỉ tiêu, những thí sinh xuất sắc đoạt giải quốc gia, quốc tế thì không xét tuyển vào sư phạm nữa... “Ngành sư phạm đang đứng trước thực trạng đáng báo động: lượng thí sinh đầu vào ít nhiều đã giảm sút chất lượng, chỉ đạt mức trung bình. Điều này khiến dư luận xã hội lo ngại về chất lượng người thầy. Nguồn nhân sự tương lai cho ngành giáo dục đang ngày càng thiếu vắng nhân tài, nhất là trong bối cảnh Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng” - vị hiệu trưởng này nhận định.
Giáo viên chủ nhiệm ở một trường THPT tại Hà Nội bộc bạch, mỗi ngày lễ, các cô lại “bội thực” với những lời tôn vinh, ca ngợi nhưng thật sự, nhiều khi thấy cám cảnh cho mình, vì cả đời gắn bó với phấn trắng, bảng đen là cuộc sống luôn chật vật, eo hẹp. “Nhìn vào hoàn cảnh của mình, làm sao dám mạnh miệng khuyên trò giỏi nối gót mình khi định hướng nghề nghiệp cho các em” - giáo viên này trăn trở.
Không thể mãi xoay xở với đồng lương
Nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho việc học sinh giỏi chê ngành sư phạm nhưng lý do chính vẫn do mức lương của nhà giáo không đủ sống, trong khi xin việc không dễ.
PGS-TS Nguyễn Tấn Phát cho rằng mức lương lâu nay đối với nhà giáo vẫn là bài toán nan giải nhất. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chiếm hơn 70%-80% số lượng công chức, viên chức nhà nước ở mỗi tỉnh - thành nhưng làm sao để họ sống được bằng lương?
Ông Trần Kim Tự, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT), cho rằng làm sao để giáo viên sống được bằng lương là một câu hỏi hay nhưng rất khó trả lời. Và vì không có câu trả lời, nên không ít thầy cô giáo vì đồng lương không đủ sống mà phải đi làm thêm phụ hồ, chạy xe ôm, bán rau...để tồn tại với nghề.
Theo tính toán, lương của một giáo viên mới ra trường hiện nay là 3,6 triệu đồng, người có thâm niên 15 năm đứng lớp mới được chưa đến 7 triệu đồng và khi lên lớp khoảng 25 năm, tức là sắp về hưu thì lương là 8 triệu đồng.
Bà Phạm Thị Yến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B, Hà Nội - nhìn nhận mức lương vài ba triệu đồng/tháng của cử nhân là thủ khoa, á khoa các trường sư phạm không thể nào đủ sống. Cuộc sống của người thầy cũng cần phải có “bánh mì và hoa hồng” chứ không thể mãi hô khẩu hiệu gắn bó với nghề.
Một giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (TP HCM) cho rằng mức lương khiến cho mọi nhà giáo đều phải xoay xở nhiều cách để kiếm thêm thu nhập. Thực tế, nhờ xoay xở như vậy, nhiều nhà giáo đã có mức sống không đến nỗi quá tệ, thậm chí một bộ phận nhỏ có thu nhập khá. Song cái giá phải trả chính là người thầy không còn thời gian tìm hiểu, đào sâu chuyên môn, chưa kể sự xói mòn lòng tự trọng cũng như sự tôn trọng của xã hội. Chính vì vậy, nghề giáo, người thầy cứ mất dần vị thế...
Nhiều giáo viên cho rằng cần có chính sách bền vững để giáo viên sống bằng lương. “Đội ngũ giáo viên không muốn sự thương hại của xã hội. Họ cần có chính sách bền vững về đời sống vật chất và sự tôn trọng thực sự của xã hội” - GS-TS Phan Thị Tươi, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM), nhận định. GS Tươi cũng cho rằng giải pháp thiết thực nhất để nâng cao vị thế người thầy là bảo đảm cuộc sống của người thầy về vật chất, cụ thể là lương; giáo dục đạo lý tôn sư trọng đạo; tránh để tình cảnh thầy phải dạy thêm chính học trò của mình, làm mất vị thế người thầy trong mắt học sinh.
TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành Ủy TP HCM, cũng cho rằng nguyện vọng số 1 của nhà giáo đó là sống được bằng lương để có thể toàn tâm toàn ý dốc sức tại lớp, để tích cực tham gia đổi mới giáo dục, để tự học và để nghỉ ngơi chăm sóc gia đình. “Một đòi hỏi rất chính đáng và rất tối thiểu vậy mà mấy đời bộ trưởng của ngành quốc sách hàng đầu này chưa ai làm được và chưa biết đến bao giờ mới làm được?” - TS Hùng trăn trở.
Dằn vặt vì hình thức, “bệnh” thành tích
TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, còn cho rằng quan điểm sư phạm và yêu cầu nhiệm vụ được giao đang có mâu thuẫn đặc biệt mà giáo viên phải tự giải quyết. Sự dằn vặt trong mỗi thầy cô giữa yêu cầu dạy người và hệ thống giá trị sư phạm từ chương, khoa bảng, hình thức còn rất nặng nề, chưa có biện pháp hữu hiệu để thay đổi hệ thống quản lý theo quan điểm sư phạm mới, từ đào tạo sư phạm đến các quy chuẩn giáo viên, thiết chế tổ chức nhà trường và phương thức thức thi cử, đánh giá.
GS-TS Tươi cũng cho rằng các cơ sở không nên chạy theo thành tích, quá nặng nề về tỉ lệ học sinh gỏi hằng năm, có như vậy thì giáo viên mới mạnh dạn phát huy sáng tạo trong giảng dạy, đấy cũng là hình thức tự nâng cao trình độ chuyên môn.
Bình luận (0)