Tờ Khmer Times đưa tin quân đội Thái Lan là bên phát động tấn công vào khoảng 18 giờ tối 25-7 (giờ địa phương), nhắm vào khu vực quần thể 2 ngôi đền cổ bằng pháo binh và bộ binh. Một nguồn tin xác nhận quân đội Campuchia đã kết hợp phòng thủ và hỏa lực nhằm đẩy lùi đợt tấn công.
Ngoài ra, các đợt pháo kích dọc theo biên giới khu vực Preah Vihear cũng được ghi nhận.
Cùng ngày 25-7, trong một tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Campuchia Hun Manet cho biết Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã gọi điện cho ông vào tối trước đó để bày tỏ quan ngại về các cuộc đụng độ biên giới giữa quân đội Campuchia và Thái Lan.
Ông Anwar đề xuất lệnh ngừng bắn ngay lập tức để mở đường cho đàm phán hòa bình giữa hai nước láng giềng.

Thiệt hại tại bệnh viện Phanom Dong Rak ở tỉnh Surin, Thái Lan hôm 24-7. Ảnh: AP
“Tôi đã nói rõ với ngài Anwar Ibrahim, Campuchia đồng ý với đề xuất ngừng bắn vì Campuchia không phải là bên chủ động giao tranh" - ông Hun Manet viết.
Ông Hun Manet nhấn mạnh "chìa khóa giải quyết xung đột vũ trang hiện nay" nằm ở mức độ sẵn sàng cam kết ngừng bắn của Thái Lan - “bước đầu tiên” trong quá trình tìm kiếm giải pháp lâu dài giữa hai quốc gia.
Trong khi đó, quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai tin tưởng căng thẳng biên giới hiện tại sẽ không leo thang thành chiến tranh toàn diện giữa hai nước, Bangkok Post đưa tin.
“Chúng ta đang chứng kiến giao tranh vũ trang, không phải chiến tranh” - quyền thủ tướng Thái Lan phát biểu sau khi chủ trì cuộc họp tại Trung tâm Đặc nhiệm về Tình hình Biên giới Thái Lan - Campuchia.
Ông Phumtham khẳng định Thái Lan luôn sẵn sàng đàm phán với Campuchia để chấm dứt giao tranh, nhưng nhấn mạnh mọi cuộc đối thoại sẽ bắt đầu từ việc Campuchia ngừng các hoạt động quân sự.
Cho đến nay, đụng độ giới hạn ở 4 tỉnh phía Đông bắc Thái Lan: Buri Ram, Si Sa Ket, Surin và Ubon Ratchathani. Ông Phumtham cho biết các cơ quan an ninh Thái Lan đang nỗ lực ngăn chặn xung đột lan rộng ra ngoài các khu vực này và kiểm soát tình hình.
Ông Phumtham Wechayachai - phó thủ tướng phụ trách vấn đề an ninh - đang lãnh đạo chính phủ Thái Lan sau khi bà Paetongtarn Shinawatra bị đình chỉ chức vụ.
Cùng ngày 25-7, Thái Lan cũng ban hành thiết quân luật tại một số huyện thuộc tỉnh Chanthaburi và Trat dọc biên giới nước này. Trong thông báo do Bộ Tư lệnh Phòng thủ Biên giới Chanthaburi và Trat ban hành, Phó đô đốc Apichat Sapprasert tuyên bố biện pháp này là cần thiết để "bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an toàn cộng đồng" của Thái Lan trước bối cảnh xung đột leo thang.
Tuyên bố này đề cập đến lệnh thiết quân luật toàn quốc năm 2006 của Thái Lan, vốn được dỡ bỏ một phần vào năm 2007 nhưng vẫn có hiệu lực ở một số khu vực. Với những diễn biến mới nhất, Thái Lan đã mở rộng lệnh thiết quân luật sang các địa điểm khác dọc biên giới phía Đông.
Bình luận (0)