Nói không ngoa, hệ thống sông, kênh, rạch có giá trị sống còn với cả quá trình hình thành và phát triển của TP HCM. Qua thời gian, với sự phát triển nhanh chóng của dân cư, các cơ quan chức năng đã có lúc đánh giá thấp tầm quan trọng của hệ thống này. Những năm gần đây, trước áp lực của hạ tầng thoát nước ngày càng kém, chúng ta mới đầu tư khai thông, mở rộng các dòng kênh vốn đã bị lấn chiếm, nghẽn dòng… Tuy vậy, không ít các tuyến kênh đã biến mất trên thực tế.
Qua loạt bài điều tra của Báo Người Lao Động, chúng ta đã hình dung khá rõ thực trạng sông, kênh, rạch bị lấn chiếm hiện nay. Không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc ưu tiên đầu tư quản lý, việc sông, kênh, rạch bị lấn chiếm, san lấp chính là hậu quả quá trình quản lý kém cỏi của cơ quan quản lý từng vùng, thậm chí là có sự thỏa hiệp.
Không khó để truy ra những tuyến kênh nào bị lấn chiếm. Tất cả những bản đồ địa chất, thủy vực của TP HCM đều được lưu giữ từ thời Pháp đến nay, thậm chí còn có cả những bộ không ảnh địa hình. So sánh với ảnh thực địa sẽ rõ ràng tuyến kênh nào bị san bằng, công trình nào lấn chiếm và bị xâm lấn trong thời kỳ cán bộ nào quản lý. Khi hình thành khu Nam Sài Gòn, giá trị đất đai tăng đột biến nên sau đó nhiều doanh nghiệp đã lấp hàng chục tuyến kênh thoát nước để xây dựng. Hiện tại, khu vực Thủ Thiêm của TP Thủ Đức, nhiều tuyến kênh đang bị bóp nhỏ lại theo các dự án đất đai… Rất nhiều tuyến kênh ở khu vực khác bị lấn chiếm để kinh doanh. Hậu quả của nạn này là không thể đo lường hết, bởi nó sẽ bóp nghẹt hệ thống thoát nước tự nhiên và gây nghẽn bất cứ hệ thống cống thoát nào của thành phố.
Sự phát triển đô thị ngày càng nhanh và chúng ta ngày càng thấy giá trị của hệ thống sông, kênh, rạch do thiên nhiên ban tặng cho thành phố này. Tất cả hạ tầng thoát nước của thành phố đều phụ thuộc vào hệ thống sông, kênh, rạch. Chỉ một tuyến kênh bị nghẽn sẽ gây hậu quả tức thì cho cả một khu vực dân cư, nhất là các quận nội thành. Mà điều này đã và đang xảy ra nên thành phố rất vất vả xây dựng lại các hệ thống thoát nước hiện hữu. Trong thời gian tới, khi phát triển các khu dân cư ngoại vi, các thành phố vệ tinh thì tình trạng ngập nước có thể sẽ lặp lại nếu ngay từ bây giờ chúng ta không giữ được sự nguyên vẹn của hệ thống sông, kênh, rạch tự nhiên. Bài học này, kinh nghiệm này cần phải được nghiêm túc đúc kết để đưa vào các quy hoạch vùng cụ thể.
Trong tương lai gần, hệ thống sông, kênh, rạch phải đảm nhận thêm vai trò giao thông đô thị của thành phố , bởi hệ thống đường sá hiện hữu đã quá tải. Ưu điểm của hệ thống này là kết nối trải dài từ huyện xa nhất là Củ Chi ra tới biển Cần Giờ, nối với Vũng Tàu. Các tuyến kênh kết nối từ huyện Bình Chánh, Bình Tân qua quận 8, quận 4, quận 1, Bình Thạnh... thông suốt nên càng thuận lợi. Các tuyến kênh này cũng nhanh chóng phục vụ cho ngành du lịch mà hiện nay đang được thử nghiệm.
Tầm quan trọng của các tuyến sông, kênh, rạch quá lớn nên không thể chùn tay trước các hành vi lấn chiếm, san lấp sông, kênh, rạch hiện nay ở TP HCM.
Bình luận (0)