Ngày 29-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM tổ chức hội thảo khoa học "Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần truyền thống ở TP HCM hiện nay".
Phát biểu khai mạc, GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM, nhận xét văn hóa ngày càng trở thành vấn đề quan trọng và cấp thiết.
Ở Việt Nam, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ và Đảng ta luôn quan tâm đến văn hóa và nhấn mạnh Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Nói một cách ngắn gọn và sâu sắc như Bác Hồ là "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi".
Theo GS.TS Nguyễn Văn Phước, trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển toàn diện của TP HCM đặt ra yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển nhanh kinh tế số và kinh tế tuần hoàn, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
"Trong đó, chú trọng việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần truyền thống dân tộc làm trụ cột cho phát triển bền vững thành phố và đất nước" – ông Phước nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM, đánh giá hơn 300 năm lịch sử, nhân dân Sài Gòn – TP HCM đã tạo dựng một nền văn hóa đa dạng và phong phú.
Trong đó, nổi bật những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc như tinh thần yêu nước được thể nổi bật ở công cuộc "khai hoang mở cõi", tinh thần chống giặc ngoại xâm và trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế. Tiếp đến là tính năng động, sáng tạo, tinh thần nghĩa hiệp, lối sống nghĩa tình…
Chia sẻ tại hội thảo, TS Nguyễn Hữu Nguyên tiếp tục truyền tải nội dung "giá trị văn hóa tinh thần truyền thống nổi bật của người Sài Gòn – TP HCM là năng động, hào hiệp, nghĩa tình"; TS Huỳnh Văn Sinh (Học viện Cán bộ TP HCM) đề cập đến "giá trị văn hóa tinh thần trong tính cách con người Sài Gòn – TP HCM"…
Đứng trước những thay đổi của cuộc sống hiện đại, nhiều thử thách đối với việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống, TS Nguyễn Thị Toàn Thắng (Học viện Cán bộ TP HCM) gửi đến tham luận "Văn hóa tinh thần truyền thống ở TP HCM những giá trị cần gìn giữ và phát huy".
Trong khi đó, Ths Nguyễn Phạm Phúc (Học viện Chính trị Khu vực II) nhấn mạnh "Vai trò của gia đình trong việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống tại TP HCM".
TS Vũ Thị Mai Oanh thì cho rằng cần tiếp tục phát huy những giá trị văn hoá tiêu biểu của vùng đất phương Nam trong sự nghiệp xây dựng TP HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Trong đó, đa dạng hóa các hình thức giáo dục nhằm truyền tải các giá trị văn hoá truyền thống cho thế hệ trẻ; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá đồng bộ, hiện đại của cả nước và khu vực; đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho các ngành, lĩnh vực văn hóa...
Bình luận (0)