Không chỉ là dịp sum họp gia đình, Tết Nguyên đán còn là cơ hội để truyền tải và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc. Trong bối cảnh hiện đại, khi nhịp sống công nghệ và hội nhập quốc tế làm thay đổi nhiều khía cạnh của đời sống, việc giáo dục con trẻ về ý nghĩa và giá trị Tết cổ truyền trở thành một nhiệm vụ quan trọng của các bậc phụ huynh.
Cội nguồn của tình thân và lòng biết ơn
Tết không chỉ là thời điểm khởi đầu một năm mới mà còn là dịp để con cháu tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thể hiện lòng biết ơn với những người đã đồng hành trong cuộc sống. Việc giáo dục con về giá trị của tình thân bắt đầu từ những hành động nhỏ như cùng dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn thờ tổ tiên, bày biện mâm ngũ quả… Những công việc tưởng chừng đơn giản ấy giúp trẻ hiểu rằng việc giữ gìn truyền thống không chỉ là trách nhiệm mà còn là cách thể hiện lòng biết ơn và trân trọng nguồn cội.
"Mỗi dịp Tết, tôi đều cùng các con chuẩn bị bánh chưng, kể cho các con nghe ý nghĩa của chiếc bánh và sự tích Lang Liêu. Các con không chỉ thích thú mà còn tự hào khi hiểu rằng chiếc bánh chưng là biểu tượng của đất trời, của sự đoàn viên"- Chị Hoài Thu (bà mẹ hai con ở huyện Bình Chánh, TP HCM) kể.
Cũng theo chị Hoài, Tết là thời gian để giới thiệu cho con những phong tục truyền thống đầy ý nghĩa như lì xì, chúc Tết, thăm hỏi họ hàng, tham gia hoạt động lễ hội... Những phong tục này không chỉ mang giá trị tinh thần mà còn giúp trẻ học được những bài học đạo đức sâu sắc.
"Lì xì không chỉ đơn thuần là việc nhận tiền mừng tuổi mà còn là lời chúc phúc, mong cầu may mắn và sức khỏe trong năm mới. Cần giải thích cho con hiểu giá trị của phong tục này nằm ở tình cảm, không phải ở giá trị vật chất. Hay như việc đưa con đến thăm ông bà, chú bác, sẽ giúp con dần học được cách ứng xử lễ phép, tôn trọng người lớn tuổi và ý nghĩa của việc duy trì mối quan hệ thân tộc"- chị Hoài chia sẻ tiếp.
Theo chị Hoài, gia đình anh chị duy trì thói quen mùng 1 đi chúc Tết nhà nội, nhà ngoại; mùng 2 chúc Tết chú bác, cô dì, mùng 3 cả nhà sẽ đi đường hoa, hay Hội Hoa xuân rồi đi ăn, xem phim cùng nhau. Nhờ vậy, các con hiểu rằng họ hàng là một phần quan trọng trong cuộc sống, dù cả năm không gặp nhưng Tết là dịp để gắn kết.
Ẩm thực Tết là một nét văn hóa đặc sắc, gắn bó với từng vùng miền và mang trong mình những giá trị truyền thống. Những món ăn như bánh chưng, bánh tét, dưa hành, thịt kho tàu, canh khổ qua… không chỉ mang hương vị ngày xuân mà còn là câu chuyện văn hóa để trẻ thấu hiểu.
"Năm nào về Huế, bà ngoại tôi (75 tuổi) đều hướng dẫn các cháu làm bánh in, bánh thuẩn, mứt, thịt hon... "Ban đầu chúng tôi lóng ngóng nhưng dần quen tay và thấy rất vui khi biết thành phẩm của mình được đặt lên bàn thờ tổ tiên hay được khách đến thăm nhà khen khéo tay. Đây là một phần ký ức thân thương khiến chúng tôi luôn nôn nao chờ Tết để được trở về quê hương. Tôi nghĩ việc dạy cách làm những món ăn truyền thống sẽ giúp con cháu gắn với nguồn cội, trân trọng hơn giá trị lao động và sáng tạo của ông bà, cha mẹ"- chị Thảo Quyên (25 tuổi, làm việc tại quận 1, TP HCM) tâm sự.
Kết nối truyền thống với hiện đại
Trong bối cảnh xã hội hiện đại với những thay đổi về lối sống, công nghệ và giá trị cá nhân, việc kết nối Tết truyền thống với hiện đại trở thành một thách thức nhưng cũng là cơ hội để giữ gìn nét đẹp văn hóa trong một diện mạo mới.
Tốc độ của cuộc sống công nghiệp, sự đa dạng văn hóa, sự phát triển của công nghệ, không đủ thời gian để chuẩn bị đầy đủ các nghi lễ truyền thống… "Những điều đó không có nghĩa là giá trị Tết bị phai nhạt. Thay vào đó, các yếu tố hiện đại đã mở ra những cách tiếp cận mới để duy trì và lan tỏa tinh thần Tết. Ví dụ giao thừa, vợ chồng tôi thường gửi lời chúc Tết qua video call, mạng xã hội hay thiệp điện tử cho người thân ở xa, bạn bè, đồng nghiệp... Dù không thể thay thế cảm giác gặp gỡ trực tiếp nhưng vẫn giúp duy trì sự kết nối. Hay như việc mua sắm Tết cũng trở nên thuận tiện hơn nhờ thương mại điện tử, giúp tiết kiệm thời gian nhưng vẫn giữ được ý nghĩa chuẩn bị Tết đầy đủ và chu đáo"- anh Nguyễn Hoàng (ngụ quận 4, TP HCM) nói.
Anh Nguyễn Hoàng nhận định sự linh hoạt trong cách đón Tết không làm mất đi ý nghĩa cốt lõi, mà ngược lại, giúp Tết trở nên gần gũi và phù hợp hơn với mọi thế hệ. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ, trẻ dễ bị cuốn vào các thiết bị điện tử và dần xa rời những giá trị văn hóa truyền thống. Phụ huynh cần khéo léo kết hợp truyền thống với hiện đại, tạo ra những hoạt động Tết thú vị và gần gũi hơn với trẻ. Ví dụ có thể đưa trẻ tham gia các lễ hội có các trò chơi dân gian, các hoạt động ngoại khóa ở trường như hội xuân… Cũng có thể sử dụng công nghệ để tái hiện giá trị Tết qua các bộ phim, tài liệu, hay kể chuyện qua những hình ảnh sinh động trên mạng.
Trong khi đó, anh Nam (45 tuổi, ngụ TP Đà Nẵng) cho rằng Tết cũng là thời gian để dạy con về lòng nhân ái và sự sẻ chia. Việc dẫn con tham gia các hoạt động thiện nguyện, tặng quà Tết cho người nghèo hay đến thăm những hoàn cảnh khó khăn giúp trẻ nhận ra ý nghĩa thực sự của việc cho đi, qua đó Tết của con cũng có ý nghĩa hơn nhiều.
Dạy con giữ gìn giá trị Tết truyền thống không chỉ là bảo tồn một phong tục mà còn là duy trì sợi dây gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Khi con trẻ hiểu và yêu những giá trị văn hóa này, chúng sẽ tự hào và góp phần lan tỏa tinh thần dân tộc, giữ cho hồn Tết mãi trường tồn.
Bình luận (0)