xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giữ "lá phổi xanh" Núi Cậu

Bài và ảnh: Nguyên Thảo

Khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu sẽ được khai thác du lịch nhưng theo hướng sinh thái, xanh và sạch, tuyệt đối không gây ô nhiễm môi trường

Nằm cách trung tâm tỉnh Bình Dương hơn 50 km, khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu được ví là "lá phổi xanh" điều hòa không khí không chỉ cho "thủ phủ công nghiệp" này mà còn cho cả một số địa phương lân cận. Nhiệm vụ giữ "lá phổi xanh" này đang được lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả, giúp cân bằng hài hòa giữa phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường.

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái

Núi Cậu nằm ở xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương - sát bên hồ Dầu Tiếng. Quần thể Núi Cậu có tổng diện tích hơn 3.600 ha, gồm 21 ngọn núi lớn nhỏ có hình chữ U.

Trong đó, cao nhất là núi Cửa Ông với 295 m, núi Ông 285 m, núi Tha La 198 m và thấp nhất là núi Chúa với 63 m. Bốn ngọn núi này tạo thành một dãy nhấp nhô kéo dài, nằm chếch về hướng Bắc - Đông Bắc và Nam - Tây Nam.

Núi Cậu mang vẻ đẹp thiên nhiên trù phú với nhiều loại cây quý và là nơi sinh sống của nhiều loài động vật. Nơi đây, nhiều năm qua đón hàng trăm ngàn lượt du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng.

Xác định được tầm quan trọng của khu vực này, năm 2022, tỉnh Bình Dương đã khảo sát, lấy ý kiến về Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ Núi Cậu, giai đoạn 2020-2025 và đến năm 2030. Mục tiêu đề án là phục vụ tham quan, giải trí, vui chơi, nghiên cứu, du lịch, nghỉ dưỡng cho du khách trong nước và quốc tế; bảo vệ và phát triển rừng bền vững, kết hợp trồng mới, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng; bảo tồn, cứu hộ các loài động vật hoang dã, phát triển nguồn gien và hệ sinh thái sẵn có.

Đề án còn có mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương nói riêng, tỉnh Bình Dương nói chung; gắn kết và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tạo việc làm cho người lao động địa phương, tăng nguồn thu từ dịch vụ du lịch cho ngân sách nhà nước…

Trong khi đó, theo kế hoạch từ nay đến năm 2030, huyện Dầu Tiếng sẽ triển khai các hạng mục gồm: Quy hoạch, triển khai xây dựng du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao (leo núi, xe đạp địa hình); du lịch khám phá thiên nhiên, khám phá lịch sử; du lịch văn hóa, tâm linh chùa Thái Sơn; du lịch cắm trại về nguồn, sinh hoạt tập thể… ở khu vực quần thể Núi Cậu.

Địa phương cũng sẽ tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp, như: Du lịch cộng đồng với sản phẩm cây rừng, cây ăn quả, thủy sản trên đất rừng phòng hộ; có thể theo phương thức homestay hoặc farmstay.

Giữ

Rừng phòng hộ Núi Cậu nằm cạnh hồ Dầu Tiếng, tạo thành một bức tranh kỳ vĩ

Người dân đồng thuận

Để bảo vệ khu vực Núi Cậu trước diễn biến thời tiết nắng nóng, những ngày qua, việc giám sát rừng phòng hộ được thực hiện rất gắt gao. Lực lượng chức năng cho biết phải ứng trực ngày đêm trên núi, không chút lơ là, thiếu cảnh giác trước nguy cơ cháy rừng.

Ngoài ra, để phát triển rừng phòng hộ, bảo đảm tính ổn định, tránh xâm hại đến điều kiện tự nhiên vốn có của rừng phòng hộ Núi Cậu, giúp người dân trong khu vực sớm ổn định cuộc sống, huyện Dầu Tiếng đã hoàn thành khu tái định cư.

Ông Thi Thanh Hòa - sinh sống ở bán đảo Tha La, khu vực Núi Cậu từ năm 1986 - cho biết vài năm trở lại đây, du khách tìm đến nơi này tham quan, giải trí ngày càng nhiều hơn. Nhờ đó, gia đình ông đã cải thiện kinh tế qua việc mở quán ăn.

Ông Hòa mong muốn chính quyền địa phương có giải pháp phát triển du lịch phù hợp ở khu vực này, sao cho vừa bảo vệ được rừng vừa thúc đẩy phát triển kinh tế cho cư dân. Bởi lẽ, nếu làm du lịch theo kiểu manh mún, tự phát như gia đình ông thì không hiệu quả.

Trăn trở của ông Hòa cũng là nổi lo của nhiều gia đình ở bán đảo Tha La. Ông Mai Văn Hương - người sống lâu dài nhất tại Tha La với hơn 40 năm - cho biết khi nghe chính quyền địa phương thông báo về việc sẽ di dời các hộ trong rừng phòng hộ ra khu tái định cư để phát triển du lịch sinh thái, hầu hết người dân đều đồng thuận, chỉ mong được đền bù tương xứng. "Chúng tôi mong chính quyền địa phương sớm có phương án để người dân không phải thấp thỏm, lo âu" - ông bày tỏ.

Theo ông Trần Khắc Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu hiện có 102 hộ dân sinh sống rải rác. Thời gian qua, các hộ này chấp hành pháp luật tốt, có ý thức bảo vệ rừng, song điều kiện sống còn nhiều khó khăn do thiếu điện, nước và nhà cửa không được sửa sang. "Tinh thần là chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ các hộ dân di dời về mặt nhà ở, cây trái, hoa màu…" - ông Quân khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho hay công trình tái định cư đã sẵn sàng nhưng đến nay, việc di dời các hộ dân trong khu vực rừng phòng hộ vẫn chưa thực hiện được. UBND tỉnh Bình Dương đã yêu cầu huyện rà soát và đẩy nhanh tiến độ để bảo đảm quyền lợi cho người dân. 

Đẩy nhanh việc giải tỏa, đền bù

Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, đề nghị sắp tới, chính quyền địa phương báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy hướng phát triển các dự án tại huyện Dầu Tiếng. Tinh thần là phát triển du lịch phải kiên quyết theo hướng sinh thái, xanh và sạch, tuyệt đối không được gây ô nhiễm môi trường. Trước mắt, việc giải tỏa, đền bù trong khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu, cắm mốc vùng bán ngập cần phải tiến hành nhanh.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo